Tính đến ngày 29/7, thành phố Thủ Dầu Một đã phê duyệt chi 4 tỷ 248 triệu đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính Phủ

Ngày 29/07/2021
Cỡ chữ: A+ A A-

           Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Bình Dương về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19, thành phố Thủ Dầu Một đã xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19. Theo đó, đối tượng áp dụng là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên lề đường không có điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác; Vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô 02 bánh và các phương tiện khác có trọng lượng 500 kg trở xuống; lái xe mô tô 2 bánh chở khách; bán vé số lưu động; người lao động tay chân mang tính tự do trong lĩnh vực xây dựng; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 1954/UBND-VX ngày 10/5/2021.

Hình ảnh chi trả cho các đối tượng

      Tính đến ngày 29/7, thành phố Thủ Dầu Một đã phê duyệt và chuyển giao cho các phường với tổng số tiền 4 tỷ 248 triệu đồng, chi cho 2.832 người lao động tự do mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, trong đó chi cho 994 đối tượng là người bán vé số lẻ với tổng số tiền 1 tỷ 491 triệu đồng.  Những ngày qua, thành phố Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các phường đẩy nhanh tiến độ rà soát hồ sơ cho các đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Qua đó, hồ sơ xét duyệt đến đâu thì tổ chức chuyển giao tiền hỗ trợ cho người dân đến đó, không để người dân chờ đợi. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người dân biết, đến địa phương đăng ký hồ sơ xét duyệt; đồng thời, trong quá trình thực hiện phải tổ chức tốt khâu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định.

       Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Để sớm đem lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh này, tầm quan trọng và quyết tâm trong việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất càng được khẳng định. Đó cũng chính là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.

          Hình ảnh chi trả cho các đối tượng

Như Phương (Đài Truyền thanh TP.TDM)


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề