MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Ngày 10/08/2021
Cỡ chữ: A+ A A-

a) Số lượng: 15 câu hỏi – đáp pháp luật.

b) Văn bản sử dụng: Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và các văn bản khác có liên quan.

1. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, những hoạt động bảo vệ môi trường nào được khuyến khích?

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích bao gồm:

1. Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

3. Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

4. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

5. Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

6. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

7. Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

8. Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

9. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

10. Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

11. Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

12. Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

2. Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

3. Xin cho biết theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, những hành vi nào bị cấm?

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, những hành vi sau đây bị cấm:

1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Sản xuất, kinh doanh:

a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

c) Thực phẩm bị biến chất;

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện  như thế nào về bảo quản thực phẩm?

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện về bảo quản thực phẩm sau đây:

- Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

- Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

-  Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Xin cho biết thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.

2. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.

3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

6. Theo Luật Khám bệnh chữa bệnh hiện hành, nghĩa vụ đối với xã hội của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có những nghĩa vụ sau đối với xã hội:

1. Tham gia bảo vệ và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

2. Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.

3. Chấp hành quyết định điều động của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

4. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

7. Theo quy định của pháp luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

1. Tổ chức việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh.

2. Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công khai thời gian làm việc, niêm yết giá dịch vụ và thu theo đúng giá đã niêm yết.

4. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người hành nghề là người nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề được quy định tại Luật này.

6. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn được phép.

7. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

8. Trường hợp dừng hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm chuyển người bệnh, hồ sơ bệnh án đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh với người bệnh.

8. Chị A là dược sỹ tại quầy thuốc K. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bổ sung chị vào đội ngũ cấp thuốc cho những người đang điều trị tại khu cách ly tập trung. Vậy theo quy định của pháp luật, chị A có phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Dược năm 2016, người hành nghề dược phải tuân thủ những nghĩa vụ sau đây:

1. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược.

2. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Luật (Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dược được ủy quyền cho người có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp khi vắng mặt để chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định).

3. Chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn đối với một cơ sở kinh doanh dược và tại một địa Điểm kinh doanh dược.

4. Hành nghề dược theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật.

5. Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

6. Hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

7. Thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề dược của người hành nghề dược khác và phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã thông báo.

Như vậy, theo quy định trên, việc chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa là nghĩa vụ mà chị A – người hành nghề dược phải tuân thủ thực hiện.

9. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều loại thuốc không rõ nhãn mác, thành phần nguyên liệu được rao bán trên thị trường. Vậy theo quy định của pháp luật, nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành trên thị trường cần tuân thủ những quy định nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 61 Luật Dược năm 2016, nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành trên thị trường phải thể hiện các nội dung sau đây:

- Tên thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

- Dạng bào chế, trừ nguyên liệu làm thuốc;

- Thành phần, hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng dược chất, dược liệu của thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nhãn của thuốc cổ truyền thuộc Danh Mục bí mật của Nhà nước và của thuốc gia truyền được phép không thể hiện một số thành phần dược liệu, hàm lượng, khối lượng dược liệu và phải có dòng chữ “Công thức sản xuất thuốc là bí mật nhà nước” hoặc “Công thức sản xuất thuốc là bí mật gia truyền”;

- Quy cách đóng gói;

- Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất;

- Tên, địa chỉ của cơ sở nhập khẩu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu;

- Số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất, ngày sản xuất;

- Hạn dùng của thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

- Điều kiện bảo quản và thông tin cần thiết khác theo quy định.

Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 61, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là một phần không thể tách rời của nhãn thuốc và có đầy đủ thông tin nêu trên (trừ các thông tin: Tên, địa chỉ của cơ sở nhập khẩu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; Số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất, ngày sản xuất) và được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ trường hợp thông tin không thể dịch ra tiếng Việt hoặc dịch ra tiếng Việt không có nghĩa.

Về thẩm quyền, khoản 3 Điều 61 nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc; quyết định việc thay đổi hạn dùng của thuốc đã ghi trên nhãn thuốc trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

10. Xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu trong bảo vệ sức khỏe nhân dân?

Căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, vấn đề vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu được quy định như sau:

1. Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân khi sản xuất, chế biến, bao bì đóng gói, bảo quản, vận chuyển lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Khi đưa các hoá chất mới, nguyên liệu mới hoặc các chất phụ gia mới vào chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và sản phẩm các loại bao bì đóng gói phải được phép của Sở y tế.

2. Nghiêm cấm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

3. Người đang mắc bệnh truyền nhiễm không được làm những công việc có liên quan trực tiếp đến thực phẩm, các loại nước uống và rượu.

11. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong phòng và chống các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 17 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, vấn đề phòng và chống các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch được quy định như sau:

1. Y tế cơ sở phải tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh cho nhân dân.

2. Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân phải thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch. Khi phát hiện có bệnh dịch hoặc nghi có bệnh dịch trong đơn vị, địa phương, cơ quan y tế phải báo cáo kịp thời với Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan y tế cấp trên.

3. Ủy ban nhân dân các cấp phải bảo đảm công tác phòng dịch, chống dịch tại địa phương.

4. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm, mức độ lây lan của từng vụ dịch, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ y tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có quyền áp dụng những biện pháp đặc biệt để nhanh chóng dập tắt dịch.

12. Xin cho biết, pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định như thế nào về trách nhiệm của thầy thuốc?

Căn cứ Điều 25 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, thầy thuốc có trách nhiệm như sau:

1. Thầy thuốc có nghĩa vụ khám bệnh chữa bệnh, kê đơn và hướng dẫn cách phòng bệnh, tự chữa bệnh cho người bệnh; phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh.

2. Thầy thuốc phải có y đức, có tinh thần trách nhiệm, tận tình cứu chữa người bệnh; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật y tế; chỉ sử dụng những phương pháp, phương tiện, dược phẩm được Bộ y tế cho phép.

3. Nghiêm cấm hành vi vô trách nhiệm trong cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bệnh.

13. Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, theo quy định của Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, người bệnh có trách nhiệm gì?

Căn cứ theo Điều 27 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân hiện hành, người bệnh có trách nhiệm như sau:

1. Người bệnh có trách nhiệm tôn trọng thầy thuốc và nhân viên y tế; chấp hành những quy định trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Người bệnh phải trả một phần chi phí y tế.

14. Nhận thấy mình có biểu hiện ho và sốt rất giống triệu chứng mắc bệnh Covid-19, ông C (83 tuổi) đã liên hệ với cơ quan y tế tại nơi cư trú để được khám bệnh kịp thời. Vậy theo quy định của pháp luật, trường hợp của ông C có được ưu tiên trong khám, chữa bệnh không?

Căn cứ theo Điều 41 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân hiện hành, việc bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, thương binh, bệnh binh và người tàn tật được quy định như sau: “Người cao tuổi, thương binh, bệnh binh và người tàn tật được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khoẻ của mình.”

Như vậy, theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân nêu trên, trường hợp của ông C là người cao tuổi được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.

15.  Xin cho biết, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ sức khỏe nhân dân được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, các vi phạm về bảo vệ sức khỏe nhân dân được quy định như sau:

Người nào có những hành vi sau đây thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

1. Vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phòng và chống dịch, bệnh.

2. Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc và bán thuốc.

3. Vi phạm các quy định về vệ sinh lương thực, thực phẩm, vệ sinh lao động và các quy định khác của Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Ngoài những hình thức xử lý nói trên, người nào có hành vi vi phạm quy định tại các điểm 1, 2, 3 của Điều 53 nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề