MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NHẬP CẢNH CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

Ngày 10/08/2021
Cỡ chữ: A+ A A-

1. Hỏi: Việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện theo nguyên tắc nào?

 Trả lời: Điều 4 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú như sau:

- Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

2. Hỏi: Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam đối với người nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: 

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng.

- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh sau đây:

+ Không đủ điều kiện nhập cảnh nói trên.

+ Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

+ Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

+ Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

+ Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

+ Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

+ Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

+ Vì lý do thiên tai.

+ Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện quy định nói trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

3. Hỏi: Anh L và anh Z là hai công dân Trung Quốc đến Việt Nam công tác theo lời mời của Tổng Giám đốc Công ty X, tuy nhiên vì sợ dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc nên cách anh muốn gia hạn tạm trú tại Việt Nam. Hỏi anh L và anh Z cần làm gì để được gia hạn tạm trú?

Trả lời: Đối với trường hợp này, Điều 35 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định như sau:

- Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét gia hạn tạm trú.

Như vậy trong trường hợp trên, anh L và anh Z là hai công dân Trung Quốc đến Việt Nam công tác theo lời mời của Tổng Giám đốc Công ty X. Do đó, nếu muốn gia hạn lưu trú, hai anh cần đề nghị Công ty X làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Công ty X trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

4. Hỏi: Ông P là bác sỹ người Hàn Quốc. Ông nhập cảnh vào Việt Nam theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta để tham gia chữa trị cho bệnh nhân bị dịch bệnh Covid-19. Vậy bác sỹ P có thuộc trường hợp được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế không?

Trả lời: Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 18 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì một trong những trường hợp người nước ngoài được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế là: “Vào Việt Nam tham gia xử lý sự cố khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc vì lý do đặc biệt khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.”

Như vậy, trong trường hợp này, bác sỹ P được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế.

5. Hỏi: Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó có người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam dương tính với vi rút SARS-COV-2. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, pháp luật nước ta có quy định trường hợp chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam vì lý do phòng, chống dịch bệnh hay không?

Trả lời: Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định 09 trường hợp chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó tại khoản 7 quy định chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

6. Hỏi: Trong lúc tuần tra, các chiến sỹ bộ đội biên phòng phát hiện nhóm 4 người là A, B, C, D (quốc tịch Việt Nam) băng rừng từ Campuchia về Việt Nam mà không qua cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi tìm hiểu, được biết những người này đang lao động ở nước bạn, nhưng do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên muốn về Việt Nam. Vì sợ  bị đưa đi cách ly nên họ không làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu. Xin hỏi hành vi nhập cảnh vào Việt Nam mà không làm thủ tục của A, B, C, D bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với những hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Vì vậy, hành vi của A, B, C, D sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề