UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 6613/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026

Ngày 06/01/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đạt hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Nâng cao trách nhiệm và sự phối kết hợp của các đơn vị có liên quan trong việc quản lý, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Ngày 22/12/2021 UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 6613/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026.

          Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2026 như sau:

          - Phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi phân huỷ sinh học (Nguồn: Internet)

                   - Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

          Để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các nội dung cần thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương cụ thể như sau:

          1. Tổ chức thực hiện và xây dựng các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

          2. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về chất thải nhựa, tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường.

Hình ảnh phát túi vải thân thiện môi trường cho người dân tại chợ Đình (Nguồn: phòng Tài nguyên và Môi trường tp.TDM)

Hình ảnh phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về tác hại của chất thải nhựa tại chợ Thủ Dầu Một (Nguồn: phòng Tài nguyên và Môi trường tp.TDM)

          3. Kiểm soát, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy tại nguồn.

          4. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, tập trung vào chất thải nhựa.

Tiếp tục triển khai các lớp tập huấn và phát túi phân loại phục vụ cho Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở phường Hiệp An (Nguồn: phòng Tài nguyên và Môi trường tp.TDM)

          UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, UBND các huyện, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được giao tại Kế hoạch.


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề