HỎI - ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Ngày 28/03/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Câu 1: Tại sao nói bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân?

Trả lời:

- Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

- Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân, bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước.

- Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Do đó bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Vì, thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; thông qua bầu cử mà nhân dân góp phần tham gia việc thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

(Theo Điều 27 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

Câu 2: Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào là quyền bầu cử, quyền ứng cử?

Trả lời:

- Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân.

- Quyền ứng cử là quy định của pháp luật về việc công dân có đủ điều kiện thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Câu 3: Nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử và tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được quy định như thế nào?

Trả lời

- Nguyên tắc bầu cử: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này.

(Theo Điều 1, điều 2 Luật Bầu cử)

Câu 4: Quốc hội Việt Nam có vị trí, vai trò như thế nào trong bộ máy nhà nước ta?

Trả lời:

Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

(Theo Điều 69 Hiến pháp 2013)

Câu 5: Tại sao nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân?

Trả lời:

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.

 Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:

- Quốc hội là cơ quan nhà nước do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của Nhân dân cả nước.

- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của Nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước.

Câu 6: Nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

Nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau.Chậm nhất là 45 ngày trước khi HĐND hết nhiệm kỳ, HĐND khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của HĐND do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(Theo điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi bổ sung 2020; Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi bổ sung 2019)

Câu 7: HĐND giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?

Trả lời:

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.

Câu 8: Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

(Theo điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi bổ sung 2020)

Câu 9: Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định như thế nào?

Trả lời:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

 (Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019)

Câu 10: Đại biểu HĐND có trách nhiệm và quyền hạn gì?  

Trả lời:

1. Trách nhiệm của đại biểu HĐND

- Tham dự kỳ họp HĐND

- Liên hệ chặt chẽ với cử tri và chịu sự giám sát của cử tri, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri

- Tiếp công dân, tiếp nhận và sử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

2. Quyền của đại biểu HĐND

- Chất vấn lãnh đạo và thành viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân và trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp…

- Kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm những người do HĐND bầu ra

- Yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành các biện pháp cần thiết để châm dứt những hành vi, vi phạm pháp luật

- Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

- Được quyền miễn trừ không bị bắt giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở nếu không có sự đồng ý của HĐND

(Theo điều 93 - 100 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019)

Câu 11: Số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Trả lời:

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

(Theo điều 8, 9 của Luật Bầu cử)

Câu 12: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cuộcbầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân, Thường trực HĐND cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Câu 13: Cử tri theo pháp luật Việt Nam được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Câu 14: Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?

Trả lời:

Cách tính tuổi công dân để được ghi tên vào danh sách cử tri như sau:

- Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ngày 23-5-2021. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau.

- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Câu 15: Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri

Trả lời:

Những người thuộc các trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật;

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án;

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

(Theo khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử)

Câu 16: Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như sau:

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(Theo Điều 29, Luật Bầu cử)

Câu 17: Pháp luật quy định như thế nào về người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử?

Trả lời:

Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND cấp tỉnh); tại Ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện); tại Ủy ban bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã).

Câu 18: Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND?

Trả lời:

Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm có:

- Người chưa đủ 21 tuổi.

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị khởi tố bị can.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(Theo Điều 2, Điều 3, Luật Bầu cử)

Câu 19: Các nguyên tắc trong vận động bầu cử?

Trả lời:

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

(Theo Điều 63 Luật Bầu cử)

Câu 20: Các hình thức vận động bầu cử của người ứng cử?

Trả lời:

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:

- Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử;

- Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

(Theo Điều 66,67 Luật Bầu cử)

Câu 21: Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?

Trả lời:

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

(Theo Điều 68 Luật Bầu cử)

Câu 22. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước, công đoạn nào?

Trả lời:

Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 05 bước cụ thể như sau:

Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Bước 4: Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

(Theo Điều 38-56 Luật Bầu cử)

Câu 23: Hội nghị hiệp thương là gì? Do cơ quan, tổ chức nào triệu tập và chủ trì?

Trả lời:

Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Hội nghị hiệp thương ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì.

Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của hội nghị hiệp thương ở cấp mình.

Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần: hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; hội nghị hiệp thương lần thứ hai; hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

(Theo Điều 38,39 Luật Bầu cử)

Câu 24: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?

Trả lời:

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

(Theo Điều 71 Luật Bầu cử)

Câu 25: Cử tri có được bầu cử thay không?

Trả lời:

Luật Bầu cử quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

(Theo Điều 69 Luật Bầu cử)

Câu 26: Người không tự mình viết được phiếu bầu có được nhờ người khác viết hộ hay không?

Trả lời:

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

(Theo Điều 69 Luật Bầu cử)

Câu 27: Những phiếu bầu cử nào là phiếu hợp lệ?

Trả lời:

Phiếu bầu cử hợp lệ là:

- Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử;

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

Câu 28: Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?

Trả lời:

Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;

- Phiếu gạch xóa hết họ, tên tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.

(Theo Điều 74 Luật Bầu cử)

Câu 29: Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại theo quy định tại Điều 80 của Luật này (Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai)

Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn. Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

(Theo Điều 78, Luật Bầu cử)

Câu 30: Việc công bố kết quả bầu cử, danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Ủy ban bầu cử cấp tỉnh/huyện/xã căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

(Theo Điều 86, Luật Bầu cử)

Câu 31: Tại sao hội viên, phụ nữ phải tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp?

Trả lời:

Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Việc tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là cơ hội giúp hội viên, phụ nữ lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, những người đủ tiêu chuẩn, không phân biệt nữ, nam xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Hội viên, phụ nữ tham gia bầu cử là trực tiếp thực hiện quyền dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hội viên, phụ nữ là những công dân có trách nhiệm đối với đất nước, vì vậy tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi hội viên, phụ nữ.

Câu 32: Hội viên, phụ nữ có quyền gì về ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?

Trả lời:

Hội viên, phụ nữ đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và HĐND quy định tại Luật tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quyền được ứng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đồng thời phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Câu 33: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ khoá I đến nay như thế nào?

Trả lời:

Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946) có 89% cử tri đi bầu, trong đó nữ chiếm 48%, bầu ra Quốc hội đầu tiên, với 403 đại biểu, trong đó có 10 đại biểu nữ (chiếm 3%).

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, 362 người trúng cử, trong đó có 49 nữ (chiếm 13,5%).

Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội không ngừng tăng qua các khóa: khóa III (1964 - 1971) đạt 16,7%; khóa  IV (1971-  1975) là 29,7; khóa V (1975- 1976) đạt 32%. Tuy vậy, tỷ lệ này có xu hướng giảm trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp: Khóa X: 26,2%; khóa XI: 27,3%; khóa XII: 25,8%; khóa XIII: 24,4%. Dù vậy, đây cũng là con số khá ấn tượng so với mức trung bình 19% của các nước Châu Á và 21% của Thế giới.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND (2016-2021) thực hiện theo quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cửđã được Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV là 500 người. Về cơ cấu, đại biểu là người dân tộc thiểu số: 90 người (chiếm 18%); đại biểu là phụ nữ: 150 người (chiếm 30%); đại biểu là người ngoài Đảng khoảng 25-50 người (chiếm từ 5 đến 10%); đại biểu trẻ tuổi khoảng 50 người (chiếm 10%); đại biểu tái cử: 160 người (chiếm 32%).

Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND khóa XIV được đánh giá “cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, có trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu nâng lên đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cao hơn”. Tuy nhiên, số lượng 133 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 26,80%) Khóa XIV vẫn còn  khá xa so với chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra (tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%)

Câu 34. Thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 87 Luật bầu cử Việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được thực hiện như sau:

1. Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.

Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Câu 35. Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội chỉ được tổ chức khi đáp ứng được những điều kiện gì?

Trả lời:

Theo Điều 89, Luật bầu cử, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 02 năm và thiếu trên mười phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

Câu 36. Việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo thủ tục nào?

Trả lời:

Theo Điều 88 Luật bầu cử, thủ tục xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:

1. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

2. Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

Câu 37. Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung?

Trả lời:

Theo Khoản 3, Điều 89, Luật bầu cử, thẩm quyền quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung thuộc về Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Câu 38. Là người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trong bầu cử bổ sung, bà Phương (45 tuổi) đang rất băn khoăn về việc thực hiện thủ tục ứng cử và hồ sơ bầu cử trong bầu cử bổ sung được tiến hành theo quy định nào? 

Trả lời:

Theo Khoản 1, Điều 92, Luật bầu cử, việc ứng cử và hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 18 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Câu 39. Có các hình thức xử lý vi phạm nào trong hoạt động bầu cử?

Trả lời:

Theo Điều 95 Luật bầu cử, Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo quy định trên, có 3 hình thức xử lý vi phạm là: xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý cụ thể đối với từng hành vi vi phạm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật./.

 

 

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề