HỎI – ĐÁP LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Ngày 28/03/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Hỏi:  Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là gì?

Đáp:

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Trong khi đó, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

Hỏi: Trong quá trình hòa giải, đối thoại tại tòa án có được ghi âm, ghi hình không?

Đáp: Điều 4

Trong quá trình hòa giải, đối thại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại.

Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và việc ghi chép chỉ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại cũng như những nội dung đã ghi chép cũng phải được bảo mật.

Đồng thời, Hòa giải viên, các bên tham gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia cũng không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại trừ trường hợp được sự đồng ý của các bên cung cấp thông tin.

Ngoài ra, trong hòa giải, đối thoại, các bên phải tuyệt đối tự nguyện cũng như phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên, không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Đặc biệt, giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải được bảo đảm quyền bình đẳng.

Hỏi: 3 loại chi phí các bên tham gia hòa giải phải chịu là gì?

Đáp: Điều 9 quy định các khoản chi phí các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải nộp gồm:

- Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài;

- Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại khi các bên thống nhất chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy, ngoài 03 khoản chi phí phát sinh thêm mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải chịu thì toàn bộ các chi phí còn lại liên quan đến việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Hỏi: Trường hợp nào không thể tiến hành hòa giải, đối thoại?

Đáp: Điều 19. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định trên có 07 trường hợp sẽ không thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Hỏi: Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 3.

1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

5. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này.

6. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

7. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

9. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.

Hỏi: Việc bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 4.

1. Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

b) Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật./.


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề