I. Sự cần thiết ban hành luật
Càng gần ma túy càng xa cuộc đời, đến với ma túy là đến với sự hủy diệt. Ma túy đã gieo rắc “cái chết trắng” đem đến khổ đau, mất mát đến nhiều cá nhân, gia đình và gây ảnh hưởng đến cả xã hội. Nó không chỉ là nỗi lo của Việt Nam mà còn là điều lo ngại của toàn thế giới. Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị xác định ma túy “là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn, song chưa được ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới. Nước ta có nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.”
Bên cạnh đó, tuy Luật phòng, chống ma túy được áp dụng trên thực tiễn đã góp phần đáng kể trong ngăn chặn và giảm thiểu các tệ nạn, tội phạm liên quan đến ma túy nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội các tệ nạn, tội phạm liên quan đến ma túy phát triển ngày càng tinh vi, phức tạp với sự ra đời của nhiều loại ma túy mới gây tối loạn tâm thần, khó kiểm soát, việc sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên tăng nhanh. Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) không còn phù hợp và bao quát, điều chỉnh được các hành vi mới xuất hiện. Vì vậy, Luật phòng, chống ma túy 2021 được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế trên và góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
II. Bố cục luật
1. Bố cục
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật bao gồm 08 chương, 55 điều, cụ thể:
- Chương I quy định về những quy định chung, gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5).
- Chương II quy định về trách nhiệm phòng, chống ma tuý, gồm 06 điều (từ Điều 6 đến Điều 11).
- Chương III quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, gồm 10 điều (từ Điều 12 đến Điều 21).
- Chương IV quy định về quản lý người sử dụng trái phát chất ma tuý, gồm 05 điều (từ Điều 22 đến Điều 26).
- Chương V quy định về cai nghiện ma tuý, gồm 17 điều (từ Điều 27 đến Điều 43).
- Chương VI quy định về quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý, gồm 07 điều (từ Điều 44 đến Điều 50).
- Chương VII quy định về hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý, gồm 03 điều (từ Điều 51 đến Điều 53).
- Chương VIII quy định về điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 54 và Điều 55).
2. Phạm vi điều chỉnh
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), cụ thể: Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Quy định này nhằm bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng, chống ma túy và tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
III. Một số điểm mới của Luật phòng, chống ma túy 2021
Thứ nhất, Luật phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung khái niệm về thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất và siết chặt hơi quy định về loại thuốc này. Trong thời gian gần đây, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhiều đối tượng phạm tội đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy. Tình trạng trên đã đặt ra yêu cầu cần bổ sung thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này. Cụ thể, Luật phòng, chống ma túy 2021 quy định: “Thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất là thuốc thú y có chứa các chất được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều này.” trong đó, khoản 2,3 và 4 quy định về chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất.
Đồng thời, Luật bổ sung các quy định siết chặt hoạt động quản lý liên quan đến thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm bảo đảm không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp (Điều 15, Điều 16).
Ngoài ra, Điều 17 Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung quy định về kiểm soát đối với các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, cụ thể như sau:
- Các hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép bao gồm: nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất; tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là được chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.
- Hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc phải theo đúng hành trình đã ghi trong giấy phép quá cảnh. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc quá cảnh phải làm thủ tục, chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Thứ hai, Luật Phòng chống ma túy 2021 đã tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy". Theo đó, tệ nạn ma túy được hiểu là hiện tượng xã hội liên quan đến ma túy, cụ thể tại khoản 8 Điều 2 quy định là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội phạm ma túy được hiểu là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần phòng ngừa, ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi. Như vậy, việc phân định rõ hai khái niệm này góp phần xác định rõ tính chất của các hành vi liên quan, đề ra các biện pháp đấu tranh phòng ngừa phù hợp.
Thứ ba, Luật Phòng chống ma túy 2021 đã bổ sung thêm một số khái niệm như sau: Khái niệm về “Người sử dụng trái phép chất ma túy”, “Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”, “Cai nghiện ma túy”, “Cơ sở cai nghiện ma túy”, “Chính sách phòng, chống ma túy”, “các hành vi bị nghiêm cấm”. Việc bổ sung các khái niệm đã góp phần cụ thể hóa, làm rõ hơn những đặc điểm của các đối tượng so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008).
Thứ tư, điểm mới nổi bật tại Chương II của Luật Phòng chống ma túy 2021 là quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình. Cụ thể, Điều 6 Luật Phòng, chống ma túy 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định cá nhân và gia đình có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác. Quy định này đã đặt nặng trách nhiệm của cá nhân, gia đình gây khó khăn trong công tác thực hiện. Do để đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý mỗi cá nhân, gia đình cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chống lại các hành vi đó ngoài ra cần phòng ngừa các hành vi nêu trên. Vì vậy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định theo hướng cá nhân, gia đình có trách nhiệm kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức. Như vậy, trách nhiệm của cá nhân và gia đình được xây dựng phù hợp với thực tiễn áp dụng, cá nhân và gia đình chỉ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi và tiến hành hỗ trợ hoạt động của chính quyền khi tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao hiểu quả trên thực tiễn còn rèn luyện tính chủ động của nhân dân trong công tác phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ năm, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung quy định về quản lý người nghiện ma túy. Theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 235.000 người, năm 2019 phát hiện hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê có thể nhận định số người nghiện ma túy ngày càng tăng gây ảnh hưởng không chỉ đến bản thân người nghiện ma túy mà còn gây ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, gây mất an ninh trật tự xã hội đặc biệt còn có nguy cơ của tội phạm. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự đặc biệt, người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.
Vì vậy, đặt ra yêu cầu quản lý với các đối tượng nghiện ma túy. Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khắc phục hạn chế trên, Luật Phòng chống ma túy 2021 đã đưa ra quy định về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình họ và xã hội. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện. Các nội dung cụ thể như sau:
Điều 22 Luật Phòng, chống ma túy 2021 chỉ rõ các trường hợp được thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể bao gồm: Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý; Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.
Kèm theo đó là hàng loạt các quy định có liên quan về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ Điều 23 đến Điều 26 của Luật Phòng, chống ma túy 2021. Đặc biệt, tại Điều 23 của Luật khẳng định việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ, đồng thời không phải là biện pháp xử lý hành chính.
Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 gồm: Chống lại hoặc cản trở việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thứ sáu, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cả nước hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỉ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm. Sự gia tăng của số người nghiện ma túy và một số hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định về cai nghiện ma túy, vì vậy Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới bảo đảm công tác cai nghiện có hiệu quả. Cụ thể, Luật đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Bổ sung quy định về quy trình cai nghiện tại Điều 29 của Luật này: (1) Tiếp nhận, phân loại; (2) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; (3) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; (4) Lao động trị liệu, học nghề; (5) Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải đảm bảo đầy đủ 05 giai đoạn; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải hoàn thành đủ 03 giai đoạn.
Bổ sung quy định có liên quan đến Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tại khoản 14 Điều 2, khoản 4 Điều 3, khoản 2 Điều 28, điểm b khoản 3 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 47, khoản 2 Điều 55 của Luật Phòng chống ma túy 2021. Bổ sung quy định có liên quan đến Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện tại khoản 14 Điều 2 và Điều 36 Luật Phòng chống ma túy 2021.
Bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam tại Điều 37 Luật Phòng chống ma túy 2021.
Thứ bảy, Luật Phòng chống ma túy 2021 đã chỉnh lý quy định về trách nhiệm của các Bộ trong phòng, chống ma túy cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật. Cụ thể như sau: Luật sửa đổi về trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 46), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Điều 47), Bộ Quốc phòng (Điều 48).
Ngoài ra, Luật bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính (Điều 50) trong chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện hoạt động phòng, chống ma túy theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.