HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 15/06/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Hỏi: Tôi có đứa em chồng vừa mới học hết trung học phổ thông nhưng không muốn đi học tiếp mà dự định kết hôn, sau đó đi học nghề và tạo dựng sự nghiệp tại quê nhà. Đề nghị cho biết điều kiện đăng ký kết hôn?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định điều kiện đăng ký kết hôn cụ thể như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, nếu căn cứ đủ các quy định nêu trên thì em chồng chị được đăng ký kết hôn.  

Hỏi: Anh A và chị B do chưa đủ tuổi kết hôn nên chỉ làm đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng được gần 3 năm, vậy có được coi là hợp pháp không? Trước khi anh A đi nghĩa vụ quân sự thì anh A và chị B muốn đăng ký kết hôn. Đề nghị cho biết trường hợp này giải quyết như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Mặt khác, khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”. Như vậy, đối chiếu các quy định trên với trường hợp của anh A và chị B, do 02 người không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nên quan hệ vợ chồng giữa hai người không có giá trị pháp lý mặc dù cả hai đã làm đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng. 

Như vậy, căn cứ vào các quy định nếu anh A và chị B có mong muốn xác lập quan hệ vợ chồng với nhau, 2 người có thể tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch ngay sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Khi đó, quan hệ hôn nhân giữa hai người sẽ được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn. 

Hỏi: Chị H cư trú ở tỉnh Sóc Trăng và anh Đ cư trú ở tỉnh Hậu Giang kết hôn vào năm 2010 và sau đó sinh một người con trai. Trong thời gian chung sống, gia đình không hạnh phúc nên đã gửi đơn đến tòa xin ly hôn và được tòa giải quyết thuận tình ly hôn vào năm 2015. Tuy nhiên, 02 năm gần đây chị H và anh Đ nối lại tình cảm, quay về chung sống với nhau như vợ chồng. Chị muốn biết vợ chồng chị có phải đăng ký kết hôn lại không?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”.

Như vậy, vợ chồng chị muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn theo quy định.

Hỏi: Anh hai của tôi kết hôn với chị ba của bạn tôi nhưng sau đó bị Tòa án nhân dân huyện A tuyên hủy hôn do kết hôn trái pháp luật. Tôi muốn biết, pháp luật quy định như thế nào về hậu quả pháp lý của việc hủy hôn trái pháp luật? 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:

1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

 

Hỏi: Chồng em là người lao động nước ngoài, vẫn đang sử dụng thẻ tạm trú lao động. Sắp tới nghỉ việc mà vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam. Hiện tại em và chồng đã đăng ký kết hôn được hơn 5 tháng và em đang đứng tên căn hộ chung cư. Vậy em có được bảo lãnh cho chồng em đăng ký cấp thẻ thường trú không?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về các trường hợp được xét cho thường trú như sau: 

1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước. 

2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam. 

3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh. 

4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. 

Như vậy, căn cứ quy định trên thì anh chị đã kết hôn và chị là công dân VN đang thường trú tại VN nên chị có thể bảo bãnh cho chồng để làm thẻ thường trú. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải đáp ứng điều kiện đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên (Điều 40 Luật này). 

 

Hỏi: Vào ngày cưới bố mẹ tôi có cho tôi một căn nhà làm của hồi môn. Nay khi tôi nộp đơn xin ly hôn, chồng tôi nhất quyết đòi chia đôi giá trị căn nhà vì chồng tôi cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Vậy xin hỏi của hồi môn của tôi có bị chia khi ly hôn hay không? Tôi phải làm sao để chứng minh với tòa án đây là tài sản riêng của tôi?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung. Như vậy căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp bố mẹ bạn cho bạn một căn nhà làm của hồi môn thì đây là tài sản riêng của bạn, nếu bạn không thực hiện việc sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung của hai vợ chồng bằng văn bản được công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 46 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đây vẫn được xem là tài sản riêng của bạn. 

Hỏi: Trước khi kết hôn, chồng chị T được bố mẹ cho một căn nhà ở Hậu Giang. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị T chung sống tại căn nhà này. Khi bố mẹ chồng mất, chị T không biết căn nhà này có thuộc tài sản chung của vợ chồng chị không? Nếu không thì làm sao trở thành tài sản chung của 2 vợ chồng. Và thủ tục cần những giấy tờ gì? 

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: Tài sản riêng của vợ, chồng: 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo đó, để tài sản này trở thành tài sản chung thì vợ chồng bạn phải tiến hành thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung, căn cứ theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung 

1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. 

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. 

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Hỏi: Anh A và chị B đồng nghiệp của tôi đang xảy ra mâu thuẫn rất nghiêm trọng, nguy cơ cao dẫn đến ly hôn. Nguyên nhân là anh chồng cặp bồ, có con riêng với người khác (cô này chưa có chồng và trước kia là giúp việc của gia đình anh chị). Đề nghị cho biết, nếu chị B tố cáo anh A quan hệ bất chính với người phụ nữ kia có thể bị xử lý hình sự hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.

Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật này là “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Việc anh đồng nghiệp của bạn đang có vợ mà sinh sống và có con với người khác, đồng nghĩa cả hai người này đã vi phạm điều cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể:

Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

“a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn”.

Anh chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng vì đang có vợ mà chung sống như vợ chồng với người khác. Người phụ nữ có con với anh ta cũng bị phạt mức tiền tương tự vì chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người biết rõ là đang có vợ.

Thậm chí, nếu tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra lớn, họ còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: 

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

 

Hỏi: Anh D và chị C ở cùng xã chưa đến tuổi kết hôn nhưng vì quá yêu nhau nên quyết định tổ chức đám cưới và được sự đồng ý của 2 gia đình. Trường hợp này xử lý như thế nào khi bị phát tảo hôn, tổ chức tảo hôn?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Như vậy, về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 trường hợp:

- Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;

- Hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, chỉ có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.

Trong trường hợp này, UBND xã không xử phạt bên tảo hôn bằng hình thức cảnh cáo mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để các cơ quan, tổ chức đó yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Khi nào Toà án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà bên tảo hôn vẫn tiếp tục chung sống với nhau như vợ chồng thì lúc đó UBND xã mới đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn.

Bên cạnh đó, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn thì hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

 

Hỏi: Ông bà B ở xã X có con trai tên là T đã 30 tuổi, bị bệnh đao bẩm sinh. Vì muốn lấy vợ cho con trai, bà B đã tìm cách vu cáo cho chị C là người giúp việc cho gia đình bà lấy trộm số tiền 1 cây vàng. Bà B đe dọa nếu chị C không muốn bị báo công an phường, không muốn bị đi tù thì phải lấy con trai bà, vừa được làm bà chủ, không phải làm người giúp việc lại có cuộc sống sung sướng. Vì nhận thức hạn chế, trình độ văn hóa thấp nên chị C đã đồng ý lấy con trai bà B. Hôn lễ chỉ tổ chức giữa hai gia đình mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường. Việc làm của bà B có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Hành vi cưỡng ép kết hôn bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 59  Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng về hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 181 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, Bà B đã dùng thủ đoạn gian dối để vu cáo cho chị C là có hành vi trộm cắp tài sản, từ đó uy hiếp tinh thần chị C và đe dọa, buộc chị phải kết hôn với con trai mình. Hành vi của bà B là vi phạm pháp luật và tùy tính chất, mức độ vi phạm, bà B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định trên.

 

Hỏi: Anh J và chị O học trung học cơ sở cùng nhau, anh J theo bố mẹ sang định cư tại Mỹ. Khi về thăm quê, anh J có gặp lại chị O, từ đó cả hai nối lại tình bạn. Sau một thời gian trao đổi, liên hệ với nhau qua điện thoại, mạng xã hội, chị O tỏ ý muốn sang định cư tại Mỹ và nhờ anh J giúp đỡ bằng cách đồng ý kết hôn với chị. Hai bên sẽ ly hôn sau khi chị O được nhập quốc tịch  Mỹ. Trường hợp kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh và nhập quốc tịch nước ngoài này pháp luật có nghiêm cấm không và nếu anh J và chị O vẫn thực hiện thì xử lý như thế nào ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình là kết hôn giả tạo. Hành vi kết hôn giả tạo là hành vi bị Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, hành vi kết hôn giả tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, thỏa thuận giữa chị O và anh J là hành vi vi phạm pháp luật, bị coi là kết hôn giả tạo.

Nguồn: https://pbgdpl.cantho.gov.vn/


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề