I. VỀ LĨNH VỰC TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Tình huống 1: Trong bữa tiệc tất niên cuối năm của công ty tổ chức tại Quán X, do say rượu nên V có lời qua tiếng lại với chủ quán X. Sau đó vì còn tức giận nên V gọi thêm 1 số người bạn đến quán của X đập phá đồ đạc. Hành vi của V bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
c) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
đ) Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;
g) Vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu trái phép;
h) Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn, phát loa tuyên truyền ngoài quy định của phép bay;
i) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.”
Như vậy, theo quy định nêu trên do V có hành vi lôi kéo người khác gây rối làm mất trật tự nơi cộng cộng nên V sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của mình.
Tình huống 2: Vào ngày 15/01/2022, lực lượng chức năng đến kiểm tra tại quán bar X thì phát hiện một nhóm thanh niên trong quán đang tụ tập sử dụng ma túy. Trong trường hợp này chủ quan bar X bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5, điều 23 Nghị định số 144/NĐ-CP của Chính phủ:
“5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;
b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;
c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;
d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
g) Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện”
Như vậy, theo quy định trên thì chủ quán bar X bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
Tình huống 3: T là chủ quán karaoke XM. Tại quán của mình, T đã tổ chức cho nhóm người đánh bạc và bị công an lập biên bản. Hành vi của T bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
Như vậy, hành vi của T bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Tình huống 4: Hàng ngày bà Y buôn bán rau ngoài chợ nhưng lại lén tổ chức ghi số đề cho những người buôn bán tại chợ và khu vực xung quanh chợ. Hành vi của bà Y bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền”
Như vậy, hành vi của bà Y bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Tình huống 5: Tại chung cư nơi gia đình tôi sinh sống gần đây xuất hiện tình trạng nhóm thanh niên sống ở căn hộ tầng trên đêm nào vào khoảng 23h đêm cũng tụ tập mở nhạc rất lớn gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Mặc dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn còn xảy ra. Hỏi hành vi của nhóm thanh niên trên có bị xử phạt không?
Theo quy định tại khoản 1, điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, hành vi gây ồn ào của nhóm thanh niên trên bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Tình huống 6: Do gần đến tết, thiếu tiền tiêu xài, A trộm một chiếc xe máy của một người ở quận bên và gửi nhờ nhà G là bạn thân của A chờ ngày thuận lợi thì bán. G biết rõ chiếc xe là do A trộm cắp những vẫn đồng ý cho gửi và thỉnh thoảng còn lấy xe chạy đi lại. Trong một lần G chạy chiếc xe đi ngoài đường thì bị anh H - chủ chiếc xe nhận ra xe mình mới bị trộm nên nhờ mọi người giúp đỡ giữ G lại giao cho cơ quan công an. Theo quy định pháp luật, hành vi của G bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, đối chiếu với tình huống đưa ra, việc G cất giữ và sử dụng chiếc xe máy mà biết rõ A trộm được là vi phạm pháp luật và bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Tình huống 7: Chị V là người có đam mê cờ bạc nên thường xuyên chơi số đề tại nhà bà Q. Trong một lần trúng được khoảng 30 triệu đồng nên chị V đến nhà bà Q để lấy tiền. Tuy nhiên, trong khi đang lấy tiền chị V tại nhà bà Q thì bị công an phường bắt và lập biên bản xử phạt. Chị V không biết mình bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, trong trường hợp này, hành vi công an phường xử phạt chị V là hành vi mua các số lô, số đề . Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi của chị V là phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra, căn cứ theo khoản 6 Điều 28, bên cạnh hình thức xử phạt trên, chị V còn bị tịch thu số tiền 30 triệu đồng do chị V chơi lô đề thắng được.
Tình huống 8: Vào Dịp Tết Nguyên đán, để giải trí nhóm thanh niên tại khu chợ xã X, huyện Y tụ tập tổ chức đá gà ăn tiền và bị công an lập biên bản. Hành vi này vị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Theo quy định trên, hành vi đá gà ăn tiền của nhóm thanh niên trên bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
II. VỀ LĨNH VỰC AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Tình huống 1.
Anh T là chủ của một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp cho công nhân. Để tăng hương vị cho thức ăn, Anh T chỉ đạo cho nhân viên sử dụng một số nguyên liệu được đóng trong các gói ni lông không dán nhãn mác và không có tên trên bao bì. Các nguyên liệu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xin hỏi, việc sử dụng các nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm của anh T sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghi định 115/2018/NĐ-CP:
“Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Như vậy, theo quy định trên, hành vi của anh T sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Tình huống 2. Trên đường đi làm về, chị V ghé vào tiệm tạp hóa X để mua một số loại gia vị và thực phẩm. Khi về nhà nấu ăn, chị V phát hiện gói bột mì mà mình mua lúc chiều đã bị mốc, có mùi hôi. Hành vi bán hàng của tiệm tạp hóa X trong trường hợp này bị xử phạt như như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ:
“Điều 14. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
b) Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm;
c) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm”
Như vậy, đối chiếu quy định trên, tiệm tạp hóa X bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tình huống 3: Trên đường gần khu vực nhà tôi sinh sống ngày càng xuất hiện nhiều xe đẩy bán thức ăn sẵn nhưng qua quan sát tôi thấy người bán không sử dụng găng tay khi lấy thức ăn. Tôi không biết trong trường hợp này người bán có vi phạm quy định nào không?
Theo quy định tại điều 16 Nghị định Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ:
“Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;
b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Như vậy, trong trường hợp không sử dụng gang tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay thì người bán bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tình huống 4: Gia đình anh T chuẩn bị mở cửa hàng bán hoa quả sạch tại nhà, anh T bàn với vợ sửa sang một phòng sạch sẽ, khử trùng để làm kho chứa hoa quả, nhưng vợ anh nói không cần thiết vì hoa quả để đâu cũng được và khi ăn khách hàng phải gọt vỏ. Trong tường hợp này, ý kiến của ai là chính xác?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 24 Luật an toàn thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
“a) Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm quy định của Luật an toàn thực phẩm;
b) Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh”
Như vậy, ý kiến của anh T về việc sửa sang một phòng để làm kho chứa hoa quả sạch sẽ, hợp vệ sinh là đúng.
Tình huống 5: Chị A là tiểu thương buôn bán tại chợ X, chuyên cung cấp số lượng lớn trứng gà. Nhưng khi được khách hàng hỏi nhập trứng từ đâu thì chị A cho rằng mình cũng chỉ lấy mối hàng từ người đưa trứng và không quan tâm đến nguồn gốc của trứng lấy từ đâu. Chị cho rằng người bán hàng chỉ cần quan tâm chất lượng của sản phẩm ở cửa hàng mà không cần biết đến nguồn gốc. Xin hỏi chị A phải có trách nhiệm biết về nguồn gốc số trứng tại cửa hàng hay không?
Trả lời:
Theo Điểm e Khoản 1 Điều 23 Luật an toàn thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống, một trong những trách nhiệm của cơ sở sản xuát kinh doanh thực phẩm tươi sống là phải duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.
Do vậy, chị A phải có trách nhiệm biết rõ nguồn gốc và xuất xứ nguồn thu mua trứng gà của cửa hàng mình.
Tình huống 6: Để tăng trọng lượng cho tôm, công ty kinh doanh thủy hải sản P đã tổ chức cho nhân viên bơm tạp chất vào tôm. Hành vi của Công ty thủy hải sản P bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b khoản 5, điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP:
“b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”
Như vậy, với hành vi trên công ty X sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng
Tình huống 7: Chị M là chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do bận việc, không để ý nên khi xem lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cửa hàng, chị M phát hiện Giấy chứng nhận đã hết thời hạn hơn 1 tháng. Chị M lo lắng không biết như vậy có bị xử phạt không?
Theo quy định tại điểm 1, khoản 8, điều 1, Nghị định 124/2021/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”
Như vậy, trong trường hợp này chị M bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
III. VỀ LĨNH VỰC GIAO THÔNG
Tình huống 1: Anh Nguyễn Văn A có hỏi: xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ngoài hình thức xử phạt chính thì người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả nào?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có 28 biện pháp khắc phục hậu quả mà cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng đối với người có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó các biện pháp được áp dụng phổ biến như sau:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam;
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;
Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện;
Buộc phải đăng ký, niêm yết đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định;
Buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;
Buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;
Buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên hoặc thủ tục đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;...
Tình huống 2: Trường hợp lái xe ô tô đi trên đường mà không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định:
Phạt tiền từ “300.000 đồng đến 400.000 đồng” đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ một số hành vi bị xử phạt theo quy định khác.
Tình huống 3: Chị Lê Thị C hỏi: trường hợp xe ô tô bấm còi về đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Mức tiền phạt là bao nhiêu?
Trả lời
Theo quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Tình huống 4: Trường hợp người lái xe ô tô bấm còi, rú ga liên tục, sử dụng đèn chiếu xa trong khu dân cư mà không phải xe ưu tiên thì có bị xử phạt không?
Trả lời
Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Tình huống 5: Ông Nguyễn Văn B có hỏi hành vi lái xe ô tô vượt đèn đỏ, đèn vàng, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời
Điểm a, điểm b Khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Tình huống 6: Trường hợp lái xe ô tô chạy quá tốc độ thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Trả lời
Tùy theo mức độ vượt quá tốc độ quy định, thì người vi vi phạm bị phạt như sau:
- Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì phạt Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
- Theo quy định tại điểm i khoản 5 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định: Phạt tiền tư 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe hạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Tình huống 7. Anh Huỳnh Văn C hỏi trường hợp người lái xe ô tô sau khi uống rượu thì mức phạt như thế nào?
Trả lời:
Tùy thuộc vào mức độ của nồng độ cồn trong máu, khí thở thì bị xử phạt theo các quy định tại: điểm c khoản 6, điểm c khoản 8, điểm a khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm về điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài việc bị phạt tiền người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng theo quy định tại điểm e khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm về điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
Ngoài việc bị phạt tiền người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng theo quy định tại điểm g khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm về Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài việc bị phạt tiền người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng theo quy định tại điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tình huống 8. Chị Nguyễn Thị X có hỏi trong trường hợp đi xe máy mà không có giấy phép lái xe thì có bị xử phạt không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
- Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
- Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
- Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe)
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng
LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Tình huống 1. Chị Huỳnh Thị K có hỏi việc nuôi trồng thủy hải sản trên sông mà làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời
Theo Điều 13 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
+ Đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động hoặc đặt ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông; đồng thời, buộc di dời ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản;
+ Không dỡ, di chuyển ngư cụ, dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản hoặc không theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa; đồng thời, buộc dỡ bỏ, di dời, thu hẹp ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản;
+ Thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận;
+ Không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
+ Không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền về vị trí, phạm vi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Tình huống 2. Anh Nguyễn Văn X ngụ tại phường C có hỏi mức xử phạt tiền đối với người lái phương tiện tàu mà có uống rượu bia thì xử phạt bao nhiêu tiền?
Trả lời
Theo khoản 3 Điều 21 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nôi địa quy định như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở; đồng thời, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ côn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở; đồng thời, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng.
Tình huống 3. Anh Lê Văn X hỏi trường hợp tham gia đua phương tiện trên đường thủy thì có bị xử phạt không và mức xử phạt như thế nào?
Trả lời
Theo khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 26 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nôi địa quy định trường hợp tham gia đua phương tiện trái phép trên đường thủy nội bị xử phạt và mức xử phạt cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thủy nội địa. Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 06 tháng đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối mỗi hành vi tổ chức đua trái phép phương tiện trên đường thủy nội địa.
Nguồn: https://pbgdpl.cantho.gov.vn/