Thành phố Thủ Dầu Một tận dụng tiềm năng, thế mạnh vươn mình phát triển

Ngày 31/01/2023
Cỡ chữ: A+ A A-

       Thành phố Thủ Dầu Một không có danh lam thắng cảnh nổi tiếng, kỳ quan thiên nhiên thế giới như những miền đất khác, nhưng vùng đất này là một kỳ quan tuyệt vời trong trái tim mọi người dân đất Thủ.  Khi xa quê, người con đất Thủ luôn nhớ về chợ Thủ, nhớ những câu vè của mẹ ru tôi từ tấm bé ''Ai về chợ Thủ bán hủ bán ve, bán bộ đồ chè, bán côí đâm tiêu....", nhớ những con đường rợp tán cây dầu to lớn cao vút và những cánh hoa dầu quay tròn trong gió, có lẽ đó của là một nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của Thủ Dầu Một. Nhớ con đường Bạch Đằng, nhộn nhịp, rộn ràng muôn sắc hoa vào những ngày giáp tết. Nhớ về Thủ Dầu Một, nhớ khu kiến trúc cổ, những ngôi nhà cổ cách đây mấy trăm năm như nhà cổ ông Trần Công Vàng và nhà cổ ông Trần Công Hổ mang nét đậm nét văn hóa lịch sử của Bình Dương xưa. Nhớ Chùa Hội Khánh, một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Hình ảnh tại thành phố TDM

        Trước đây, Thủ Dầu Một là thành phố nằm xen giữa những vườn cây trái, làng gốm, làng sơn mài, những ngôi chùa cổ. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, đi trên các đại lộ, các con đường lớn, hoặc các trung tâm thương mại, khu công nghiệp... ta có cảm giác thành phố Thủ Dầu Một hiện đại, hào hoa. Nhưng chỉ cần rẽ vào những con đường nhỏ vài chục mét thôi thì sự ồn ào được thay vào những hàng rào, vườn cây xanh ngắt thanh bình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, kề bên những ngôi nhà hiện đại, bến sông, chợ... tất cả hòa quyện vào nhau, bao dung như người dân Thủ Dầu Một. Cái tên Thủ Dầu Một, theo truyền khẩu là vì có đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An, nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là "cây dầu một". Vùng đất phía tả ngạn sông Sài Gòn này có địa thế đặc biệt, đất đai phì nhiêu, là cửa ngõ vào Gia Ðịnh - Chợ Lớn..., vì vậy nhiều người đã dừng chân an cư, lạc nghiệp. Dù lý giải thế nào, thì cái tên Thủ Dầu Một, từ năm 1948 đã hiển hiện trên các văn bản hành chính, là trung tâm, đầu não của tỉnh Sông Bé xưa và Bình Dương ngày nay.Có xa xôi gì, trước "Ðổi mới", Thủ Dầu Một vẫn là vùng đất hội tụ các làng nghề hàng trăm tuổi có tiếng như: gốm Minh Long, sơn mài Tương Bình Hiệp, chạm khắc gỗ... nức tiếng các tỉnh gần xa. Ngoài các làng nghề, người dân Thủ Dầu Một thu nhập chủ yếu dựa vào vườn cây trái và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Sau "đổi mới", các địa phương lân cận như: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển mình mạnh mẽ, thì Bình Dương nói chung, Thủ Dầu Một nói riêng vẫn mang bóng dáng của thị xã thuần nông chất phác. Chỉ khoảng 20 năm trở lại đây, từ một đô thị nhỏ, chưa được quy hoạch, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân còn khó khăn, đến nay Thủ Dầu Một liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, xứng tầm là đô thị loại I của tỉnh Bình Dương và cũng là trung tâm chính trị kinh tế văn háo xã hội của tỉnh.

       Thành phố  Thủ Dầu Một hiện có bảy khu công nghiệp tập trung, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh. Nếu năm 2007, Thủ Dầu Một là đô thị loại III, thì năm năm sau đã là thành phố loại II, tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,87%, với 97,77% lao động phi nông nghiệp; diện tích nhà ở bình quân 18,78 m2/người và 93,32% là nhà xây kiên cố, bán kiên cố; gần 100% các hộ dân sử dụng nước sạch... Đến năm 2017 Ðảng bộ, chính quyền và người dân Thủ Dầu Một đã được công nhân là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bình Dương.

        Ði trên những con đường trung tâm thành phố như  đại lộ Bình Dương, đường Cách Mạng tháng 8, đường Nguyễn Tri Phương và đặc biệt là con đường Bạch Đằng ven sông Sài Gòn nối dài mới vừa được đầu tư xây dựng,  những ngày đầu xuân mới này, chúng ta như có cảm giác, cả đảng bộ, chính quyền và người dân đang nô nức đón chào một mùa xuân mới, hy vọng mới với niềm tin thắng lợi mới. Trên các đại lộ, các tuyến đường, khắp nơi băng-rôn, cờ Ðảng, cờ Tổ quốc tung bay trong gió sớm mừng Đảng- mừng Xuân mới. Nhìn khuôn mặt ánh niềm tự hào của những công dân thành phố mới, sẽ dễ dàng nhận ra làn gió "đổi mới" đã thấm đẫm trong mỗi người dân. Sắp tới chính quyền sẽ tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Từng bước thay đổi ý thức và nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ đường phố xanh - sạch - đẹp và nâng cao chất lượng, cảnh quan kiến trúc đô thị, phấn đấu xây dựng tiêu chí mục tiêu Thành phố không rác, thành phố xanh. Ðến năm 2025, đô thị Thủ Dầu Một sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái, khu đô thị dọc ven sông Sài Gòn và phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị thân thiện với môi trường, từng bước hình thành một đô thị vùng trung tâm thông minh của tỉnh Bình Dương.

        Hình ảnh tại thành phố TDM

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề