HỎI – ĐÁP LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ NĂM 2013

Ngày 28/03/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Hỏi: Hòa giải ở cơ sở là gì? Những hoạt động nào không phải là hòa giải ở cơ sở?

Đáp:

1. Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì:

- Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

- Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và công đồng dân cư khác.

- Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này

- Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật này để thực hiện hoạt động hoà giải ở cơ sở.

2. Theo khoản 2 Điều 1 của Luật này thì hoạt động hòa giải của Tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hoà giải tại Ủy ban nhân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Hỏi: Những vụ việc nào được hòa giải ở cơ sở?

Đáp:

Tại Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:

1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hoà giải;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Hỏi: Hình thức và nội dung hòa giải ở cơ sở được thực hiện ra sao?

Đáp:

Tại Điều 21 của Luật hòa giải ở cơ sở thì hình thức và nội dung hòa giải được quy định như sau:

1. Hoà giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hào giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này gồm các nội dung sau:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hoà giải viên.

Khi tiến hành hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hoà giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện (Điều 22).

Theo quy định tại Điều 23 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì hòa giải được kết thúc khi có một trong các điều kiện sau:

1. Các bên đạt được thỏa thuận

2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải

3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Hỏi: Như thế nào là hòa giải thành? Việc hòa giải thành được thực hiện theo cách nào?

Đáp:

1.Theo quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải thà nh là trường hợp các bên đạt được thảo thuận. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

- Căn cứ tiến hành hòa giải;

- Thông tin cơ bản về các bên;

- Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

- Diễn biến của quá trình hòa giải;

- Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

- Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hoà giải viên.

2. Theo quy định tại Điều 25 của Luật Hòa giải ở cơ sở việc thỏa thuận hòa hòa giải thành được thực hiện:

- Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

- Trong quá trình thực hiện thỏa thuận, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng Ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện ( Điều 26)

Hỏi: Như thế nào là hòa giải không thành?

Đáp:

Điều 27 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định

Hòa giải không thành là trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận.

Trong trường hợp này, các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong trường hợp việc hòa giải đã kết thúc và các bên đã được thỏa thuận nhưng sau đó một hoặc các bên không thực hiện đúng theo nội dung đã thỏa thuận thì cũng được xem như là hòa giải không thành.

Hỏi: Việc hòa giải ở cơ sở thực hiện ở địa điểm và thời gian nào?

Đáp:

Điều 20 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về địa điểm và thời gian hòa giải như sau:

1. Địa điểm là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp phải hòa giải ngay sau khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề