HỎI – ĐÁP LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Ngày 28/03/2022
Cỡ chữ: A+ A A-
 Câu 1: Năm 2014 Quốc Hội có thông qua Luật Căn cước công dân, ý nghĩa của căn cước công dân là gì, và luật này khi nào có hiệu lực thi hành?
Trả lời:
Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân. Tuy nhiên, đến nay, các quy định này còn tản mạn, hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến căn cước công dân (quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình) được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trong Hiến pháp 2013. Trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20-11-2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2016.
Câu 2: Luật Căn cước công dân có những nội dung cơ bản nào?
Trả lời:
Những nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân
- Phạm vi điều chỉnh: Luật này chủ yếu quy định về hoạt động quản lý căn cước công dân, việc cấp, đổi, cấp lại và sử dụng Thẻ căn cước công dân; nhấn mạnh việc sử dụng Thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Việc bổ sung quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp, quản lý số định danh cá nhân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
- Tuổi cấp Thẻ căn cước công dân: Luật quy định cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên. Việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em dưới 14 tuổi vẫn được thực hiện. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền được khai sinh của trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh; phù hợp với bản chất của việc cấp Thẻ căn cước công dân – khi các đặc điểm nhân dạng của một cá nhân đã ổn định và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
- Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Luật đã quy định những thông tin cơ bản được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng thống nhất trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi đăng ký khai sinh, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp… Những thông tin này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện và quản lý nhằm mục đích kết nối, chia sẻ, sử dụng chung, bảo đảm tính thống nhất và chính xác về dữ liệu công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các giao dịch liên quan đến người dân.
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân: Luật Căn cước công dân đã dành hẳn một Chương quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và làm rõ mối quan hệ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp các thông tin gốc, cơ bản về công dân, từ đó phát triển thẻ công dân điện tử để phục vụ hiệu quả cho công dân trong tham gia các giao dịch dân sự và góp phần đắc lực cho hoạt động quản lý của Nhà nước về dân cư. Cụ thể là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; sẽ giảm giấy tờ cho công dân (sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân…). 
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa đáp ứng cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu khai thác, sử dụng vừa phải bảo đảm tính bí mật đời tư theo quy định pháp luật. Do đó, Luật đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. 
- Một số nội dung cơ bản của Thẻ căn cước công dân:
+ Hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân: Pháp luật về căn cước công dân hiện hành quy định hạn sử dụng của giấy tờ về căn cước công dân là 15 năm, kể từ ngày cấp. Thực tế cho thấy, quy định này chưa phù hợp với công dân ở các độ tuổi khác nhau do ở mỗi độ tuổi thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng là khác nhau. Do đó, Luật quy định theo hướng: Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
+ Thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: Luật quy định một số nội dung nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó, công dân đến làm thẻ, cấp lại thẻ Căn cước công dân chỉ cần điền vào tờ khai cấp thẻ Căn cước công dân. Trường hợp đổi thẻ do thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng, xác định lại giới tính, quê quán hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này. 
+ Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân: Pháp luật hiện hành chỉ quy định công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân ngày càng tăng của công dân, dự thảo Luật quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho công dân, nhất là đối với những người đi làm ăn ở địa phương xa nơi thường trú của mình, họ có thể đến ngay cơ quan quản lý căn cước công dân nơi gần nhất để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nhất thiết phải trở về nơi thường trú để thực hiện.
+ Lệ phí cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân: Để bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của công dân và phù hợp với pháp luật hiện hành về phí và lệ phí, Luật quy định theo hướng công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ lần đầu; được miễn, giảm lệ phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong một số trường hợp quy định.
Ngoài những vấn đề nêu trên, để bảo đảm giá trị sử dụng của những Chứng minh nhân dân được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch, Luật quy định: Đối với Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì đổi sang thẻ Căn cước công dân. Đồng thời, để các địa phương có thời gian bảo đảm về cơ sở vật chất, nhân lực cho triển khai cấp thẻ Căn cước công dân theo công nghệ mới, dự thảo Luật cũng quy định: Khi Luật này có hiệu lực, địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Câu 3: Việc giải thích từ ngữ trong Luật Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 của Luật Căn cước công dân
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.
2. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.
3. Tàng thư căn cước công dân là hệ thống hồ sơ, tài liệu về căn cước công dân, được quản lý, phân loại, sắp xếp theo trình tự nhất định để tra cứu và khai thác thông tin.
4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành là tập hợp thông tin về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhất định của bộ, ngành được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
7. Cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền đưa và trao đổi thông tin số về dân cư và căn cước công dân, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu.
8. Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân, làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Câu 4: Việc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân cần tuân theo nguyên tắc nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 của Luật Căn cước công dân
Nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho công dân.
3. Thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, an toàn; duy trì, khai thác, sử dụng hiệu quả và lưu trữ lâu dài.
Câu 5: Quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 của Luật Căn cước công dân
1. Công dân có quyền sau đây:
a) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định;
b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật;
c) Được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;
d) Sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
2. Công dân có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này;
c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
d) Xuất trình thẻ Căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;
đ) Bảo quản, giữ gìn thẻ Căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;
e) Nộp lại thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 của Luật này.
3. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều này.
Câu 6: Cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 của Luật Căn cước công dân
Trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân
1. Thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân.
2. Chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi.
3. Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.
4. Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
5. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
6. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Câu 7: Luật Căn cước công dân quy định các hành vi nào bị nghiêm cấm?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 của Luật Căn cước công dân
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.
2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. 
4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.
7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
9. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
Câu 8: Yêu cầu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 8 của Luật Căn cước công dân
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quản lý tập trung, thống nhất và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc thu thập, cập nhật, khai thác, sử dụng.
3. Bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
4. Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Câu 9: Thông tin nào về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 của Luật Căn cước công dân
1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
b) Ngày, tháng, năm sinh;
c) Giới tính;
d) Nơi đăng ký khai sinh;
đ) Quê quán;
e) Dân tộc;
g) Tôn giáo;
h) Quốc tịch;
i) Tình trạng hôn nhân;
k) Nơi thường trú;
l) Nơi ở hiện tại;
m) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;
n) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
o) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;
p) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
2. Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư.
Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân.
Câu 10: Việc Quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 của Luật Căn cước công dân
Quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
2. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau:
a) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
3. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Câu 11: Giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có mối quan hệ như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 của Luật Căn cước công dân
1. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này.
2. Thông tin về công dân quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Trường hợp thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc giấy tờ đã cấp không phù hợp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Việc kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
5. Chính phủ quy định việc kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, chỉnh sửa, sử dụng thông tin, lộ trình kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Câu 12: Luật căn cước công dân có đề cấp đến số định danh, vậy số định danh là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 của Luật Căn cước công dân
Số định danh cá nhân
1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
2. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
3. Chính phủ quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.
Câu 13: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 13 của Luật Căn cước công dân
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ quy trình thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
b) Bảo đảm việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời;
c) Cập nhật, thông báo kịp thời thông tin về công dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác.
2. Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra thông tin, tài liệu về công dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin;
b) Giữ gìn, bảo mật thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xoá hoặc làm hư hỏng tài liệu và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức quản lý việc cập nhật, lưu trữ thông tin, tài liệu vào cơ sở dữ liệu;
b) Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã được cập nhật, lưu trữ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 Câu 14: Trên thẻ Căn cước công dân có những nội dung gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 18 của Luật Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:
a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;
b) Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ Căn cước công dân.
 Câu 15: Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì ai được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 19 của Luật Căn cước công dân
Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
2. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Câu 16: Ai giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 20 của Luật Căn cước công dân
Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
Câu 17: Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 21 của Luật Căn cước công dân
Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Câu 18: Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 22 của Luật Căn cước công dân
 Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân
1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:
a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định. 
Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;
c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
2. Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Mở rộng thêm:
Các quy định liên quan đến việc thu lệ phí làm thẻ căn cước công dân được điều chỉnh bởi Thông tư 170/2015/TT-BTC ngày 9/11/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể:
- Đối tượng nộp lệ phí
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này.
- Đối tượng không phải nộp lệ phí
1. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu.
2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
3. Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
- Đối tượng được miễn lệ phí
1. Công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân
2. Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
3. Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
4. Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
- Cơ quan thu lệ phí
1. Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an;
2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
3. Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.
- Mức thu lệ phí
1. Mức thu lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
a) Đổi: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
b) Cấp lại: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
2. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức thu quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, kể từ ngày Luật căn cước công dân có hiệu lực, công dân có thể đến các cơ quan có thẩm quyền theo những quy định vừa trích dẫn ở trên để làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân. 
Câu 19: Trường hợp nào phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 23 của Luật Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Câu 20: Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 24 của Luật Căn cước công dân
Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Thực hiện các thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.
2. Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do thay đổi thông tin quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 23 của Luật này mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này.
3. Thu lại thẻ Căn cước công dân đã sử dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
Câu 21: Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 25 của Luật Căn cước công dân
Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
4. Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Câu 22: Nơi nào làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 26 của Luật Căn cước công dân
Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Câu 23: Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 của Luật Căn cước công dân
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Câu 24: Việc thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 28 của Luật Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:
a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:
a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Câu 25: Khi làm thẻ Căn cước công dân, tôi phải khai khá nhiều thông tin cá nhân và gia đình. Những thông tin đó có được bảo đảm bí mật? Cơ quan chức năng đã có thông tin công dân rồi thì khi làm thủ tục hành chính tôi có cần mang theo hộ khẩu hay giấy khai sinh hoặc đăng ký kết hôn như hiện nay?
Trả lời:
Theo Luật Căn cước công dân sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2016, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân với các thông tin được thu thập, cập nhật gồm: a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; b) Ngày, tháng, năm sinh; c) Giới tính; d) Nơi đăng ký khai sinh; đ) Quê quán; e) Dân tộc; g) Tôn giáo; h) Quốc tịch; i) Tình trạng hôn nhân; k) Nơi thường trú; l) Nơi ở hiện tại; m) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; n) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; o) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; p) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, được quy định tại Điều 10 Luật này về quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
2. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau:
a) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
3. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân, sẽ có giá trị sử dụng theo Điều 20 Luật này:
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân các nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.
- Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
Câu 25: Có bắt buộc đổi CMND sang thẻ CCCD?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:
"2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân."
Như vậy, khi CMND còn thời hạn thì không bắt buộc công dân phải đi đổi sang CCCD.
Trường hợp CMND hết hạn:
- Thực hiện thủ tục đổi CMND sang thẻ CCCD đối với các tỉnh thành đã cấp CCCD.
- Thực hiện đổi CMND mới đối với những tỉnh/thành phố chưa cấp CCCD.
Câu 26: Bao nhiêu tuổi thì được làm căn cước công dân?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 thì Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi thì được cấp thẻ Căn cước công dân. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân của công dân.
Câu 27: Khi nào được đổi thẻ CCCD?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật căn cước công dân 2014, thì các trường hợp sau đây được đổi thẻ CCCD:
- Khi CCCD hết hạn theo thời hạn ghi trên thẻ;
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
- Khi công dân có yêu cầu./.
 
  

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề