Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một- Đầu tư phải hiệu quả

Ngày 15/09/2023
Cỡ chữ: A+ A A-

      Sáng ngày 15/9, đoàn công tác Tỉnh ủy Bình Dương do ông Nguyễn Văn Lợi- UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh- làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Hiệp hội sơn mài tỉnh Bình Dương. Về phía lãnh đạo thành phố Thủ Dầu Một có ông Nguyễn Văn Đông- UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy.

Hình ảnh tại buổi làm việc với Hiệp hội sơn mài tỉnh Bình Dương

      Đại diện Hiệp hội sơn mài đã báo cáo tình hình hoạt động chung của Hiệp hội trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ổn định, tình hình sản xuất đạt 60% so với kế hoạch năm 2023, tăng 10- 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu…

         Đại diện Hiệp hội cũng đã kiến nghị một số nội dung như đề nghị nhanh chóng triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn TP Thủ Dầu Một; nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, cần tổ chức giới thiệu sách chính quy về sơn mài, lịch sử, giai thoại, cách làm nghề, cần xác định lại tiêu chuẩn làng nghề truyền thống hay làng nghề theo tiêu chuẩn quy định pháp luật cũng như việc xác định nên bảo tồn làng sơn mài hay bảo tồn nghề sơn mài, cần có đề án bảo tồn nghề sơn mài với ý nghĩa nghề là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, việc xây dựng và phát triển làng nghề cần có sự đầu tư và triển khai phát triển theo hướng bền vững, nên tạo điều kiện có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp làng nghề, nhất là chính sách thuế, cần có giải pháp hỗ trợ các cửa hàng bán sản phẩm, nên có quy chế, quy định của làng nghề để doanh nghiệp nắm và tham gia, nên lập ra ban bảo tồn, tập hợp nghệ nhân tham gia, vừa quảng bá, vừa bảo tồn, vừa tạo thêm nguồn quỹ cho ban hoạt động, chú ý đến việc bảo tồn, giữ gìn các kỹ thuật chi tiết trong Sơn mài, cần có việc phối hợp trong công tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường nghề để đạt hiệu quả khả thi, phù hợp với nhu cầu

        Đại diện thành phố Thủ Dầu Một, bà Nguyễn Thu Cúc- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố đã báo cáo sơ bộ về tiến độ triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Đề án đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và thành phố triển khai xây dựng với mục tiêu tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, duy trì hoạt động ổn định và phát triển làng nghề sơn mài, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích việc tạo ra sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với sự sáng tạo ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kết hợp với các loại hình du lịch đặc thù...

         Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu các Sở ngành chức năng tỉnh cần tổng hợp các ý kiến của Hiệp hội, xem xét, bổ sung, chỉnh sửa nội dung đề án để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chú ý đến yếu tố làng nghề phải đảm bảo ý nghĩa phục vụ nghề và nghệ nhân, cần làm rõ vấn đề bảo tồn làng nghề hay bảo tồn nghề sơn mài. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo cần nghiêm túc nghiên cứu thực hiện Đề án phải vừa đảm bảo có sự tập trung và vừa có sự phân tán để đầu tư hiệu quả, phải có chính sách hỗ trợ cho người dân, nghệ nhân, doanh nghiệp của làng nghề, đồng thời, nên nghiên cứu có con đường gốm sứ, sơn mài trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, phải chú ý đến vấn đề có sự phối hợp đào tạo thế hệ kế thừa giữa trường nghề và làng nghề, đề nghị cuối năm 2023 phải thực hiện phê duyệt các thủ tục của Đề án và sẽ triển khai thực hiện Đề án trong năm 2024.

       Hình ảnh tại buổi làm việc với Hiệp hội sơn mài tỉnh Bình Dương


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề