Một số câu chuyện pháp luật liên quan đến phòng dịch bệnh

Ngày 10/08/2021
Cỡ chữ: A+ A A-

Câu chuyện pháp luật  “CHẤP HÀNH TỐT VIỆC CÁCH LY LÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG”

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số người được xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2 đang có chiều hướng gia tăng thì D (22 tuổi), thường trú tại tỉnh L là lao động trở về từ Trung Quốc. Khi về nước, D được cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi được cách ly, D được đưa vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh L do bị đau ở vùng ngực, bụng, lưng, tay chân mặc dù sức khoẻ vẫn bình thường, không sốt, không ho. Qua khai báo ban đầu, D cho biết đã bị hành hung khi ở khu vực biên giới Trung Quốc.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh L, sau khi được chăm sóc y tế, D đã tỉnh táo, không sốt. Nhưng đến khoảng 8 giờ 30 phút sáng hôm sau, bác sĩ trong Khoa Truyền nhiễm phát hiện D đã không còn ở trong phòng bệnh cách ly của Bệnh viện.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện đa khoa tỉnh L đã báo cáo Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh L, để thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp, khẩn trương truy tìm bệnh nhân bỏ trốn cách ly.

Từ tình huống có thật ở trên chúng ta thấy hành vi trốn khỏi nơi cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 của D là vi phạm pháp luật. Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định có 07 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" (khoản 7). Những trường hợp cố tình không tuân thủ các yêu cầu cách ly hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau

- Hành vi của D sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời còn buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế (điểm b Khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

- Trường hợp D bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

(i) Nếu D gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

- Nếu D gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

Chính vì vậy, khi đã có quyết định cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đề nghị người được cách ly chấp hành nghiêm chỉnh để bảo đảm không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này./.

*****

Câu chuyện pháp luật “Cần tăng cường phổ biến, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19”

Thời gian vừa qua, ở nhiều địa phương của nước ta đã có những người bị xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2. Tại huyện M, Thành phố H nơi tôi sinh sống mới phát hiện bệnh nhân Covid-19, nên chính quyền địa phương đã lập tức tổ chức việc cách ly bệnh nhân này nhằm phòng, chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo dõi trường hợp cách ly bệnh nhân này, hai vợ chồng ông P và bà T đánh giá cao trách nhiệm và chủ động của các cấp chính quyền địa phương từ xã, huyện, đến thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nói chuyện với chồng, bà T tâm sự: Ông à, tôi thấy địa phương mình rất chủ động, nhanh chóng cách ly người mắc bệnh Covid-19 trên địa bàn, nên tôi thấy tin tưởng và yên tâm hơn về quyết tâm phòng, chống dịch của Đảng, Chính phủ. Nhưng ông này, ông có biết  các đối tượng nào sẽ bị cách ly y tế không hay chỉ người bị bệnh?

Uống một ngụm nước, ông P nói: Hôm qua khi bà đi chợ, tôi nghe Đài truyền thanh xã thông tin, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì được biết đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A (mà dịch Covid-19 thuộc nhóm A) và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bà T chăm chú hỏi: Thế có mấy biện pháp cách ly y tế đối với người mắc dịch bệnh Covid-19 hả ông và ai có trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp cách ly?

Ông P trả lời: À, tôi cũng được biết là có 04 biện pháp cách ly đối với người mắc dịch bệnh Covid-19: Thứ nhất là cách ly tại nhà như trường hợp ở huyện ta; thứ hai là cách ly tại cơ sở y tế; thứ ba là cách ly y tế tại cửa khẩu và thứ tư là cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc biện pháp cách ly thứ ba vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch. Còn về thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly, pháp luật giao Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch,  người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu quyết định áp dụng biện pháp này bà ạ.

Bà T gật đầu và nói: Ông nói tôi thấy pháp luật cũng đã quy định khá cụ thể về cách ly y tế rồi. Nhưng này ông, thế nếu người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế vì mắc bệnh Covid-19 mà từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế thì bị xử lý như thế nào?

Vấn đề bà nói, thời gian vừa qua báo chí đã nêu một số trường hợp trốn khỏi nơi cách ly, từ chối cách ly hoặc đánh tráo người cách ly dịch bệnh Covid-19 – Ông P hào hứng trả lời. Ông nói tiếp: Đây là những việc làm vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Tôi có đọc báo thì được biết nếu từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời còn buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế. Còn nếu gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Còn người vi phạm mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 bà ạ…

Ông P và bà say sưa trao đổi về tình hình Covid-19 ở nước ta và pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Thiết nghĩ, ai cũng có ý thức tự tìm hiểu pháp luật như ông P và bà T thì hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân sẽ được nâng cao, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19./.

*****

Câu chuyện pháp luật “Rảnh rỗi sinh nông nổi”

K có một Trang trên facebook, thường xuyên đăng tải các tin giật gân, video clip hot để thu hút đông đảo cộng đồng mạng vào xem nhằm tăng lượt tương tác, qua đó kiếm tiền từ Trang này.Đợt này đang nghỉ dịch, chả có việc gì làm, mỗi ăn với ngủ, K thấy chán, có ý định rủ N tung tin liên quan đến đại dịch Covid – 19 để câu like trên mạng xã hội. Vì đại dịch Covid hiện nay rất được người dân quan tâm, chỉ cần đăng lên ắt sẽ có nhiều người like, share.

Nghe K nói, N cứ ngờ ngợ. N hỏi:

  • Thế cậu định đăng tin gì?
  • “Có người tử vong đầu tiên vì bệnh Covid – 19” – K nói vô tư.

N: Thôi cậu ơi, đừng có làm bậy nha.

K: sao cậu nhát thế. Muốn kiếm được nhiều tiền phải làm liều chứ.

N: cậu rảnh quá nên đầu óc có vấn đề à? Tung tin thất thiệt như thế chết đấy. Cẩn thận công an đến nhà tóm cổ đấy.

K: Làm gì đến mức đấy.

N: cậu không xem thời sự, đọc báo à? Mấy tháng nay, báo chí, truyền hình đưa tin về xử phạt các hành vi liên quan đến Covid-19, trong đó, có hành vi đưa thông tin sai sự thật đấy.

N nhanh tay gõ điện thoại: chờ đấy, tớ tìm đọc cho mà nghe. Có mấy vụ bị xử lý rồi đấy. Đừng có làm chuyện vớ vẩn, vi phạm pháp luật đấy nhé.

N: Đây rồi, tớ đọc cho mà nghe về hình thức xử lý vi phạm đối với hành vi này nhé:

Điểm a, Khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủquy địnhvề xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện như sau:

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Từ ngày 15/4/2020, đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhânvà hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân khi sử dụng mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện). Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, hành vi này còn vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng, theo đó, Luật nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân.

Nếu người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa có Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử đối với tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự.Ở tội danh này, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng.

N: Cậu thấy chưa? Hành vi tung tin thất thiệt là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước. Rất nguy hiểm đấy cậu.

K: uh. Nghe cậu nói xong tớ cũng thấy sai và sợ. May không làm liều. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nguy hiểm quá.

N. Rảnh thì đọc sách, học tiếng anh, giúp bố mẹ làm việc nhà đi, đừng nghĩ ra mấy việc không đâu, hại người hại nước.

K: Tôi biết rồi, ông cụ non à.

K thở dài, trầm ngâm, rồi lặng lẽ ra ban công ngắm nhìn khung cảnh xung quanh.

*****

Câu chuyện pháp luật: Làm giỗ mẹ thời covid

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen hàng ngày của hàng chục triệu người dân Việt Nam, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và học tập bị đình trệ, ảnh hưởng tới tài chính cá nhân và gia đình. Ở con xóm nhỏ xa xôi của xã Phùng M, huyện Hướng H, tỉnh A, nơi gia đình bà Hoàng Thị Hiên sinh sống cũng chịu tác động không nhỏ. Như thường lệ, cứ 6 giờ 30 phút sáng là đài phát thanh cơ sở lại tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc truyền thông công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Hơn một tháng nay, những thông tin về dịch bệnh Covid -19, cách phòng tránh dịch luôn được ưu tiên phát đầu buổi. Sáng hôm nay, ngày 04 tháng 4 năm 2020, cũng vậy. Vừa pha ấm trà chưa kịp ngấm, chương trình phát thanh đã bắt đầu. Bà Hiên ngồi co chân lên ghế thở dài:

Bà Hiên: - Ngày nào cũng vậy, covid, covid, nghe mà tôi thấy ớn quá.

Ông Minh (chồng Bà Hiên): - Ớn là ớn thế nào, bà nói tôi nghe.

Bà Hiên: - Thì như kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ấy.

Ông Minh: - Quan trọng là ý thức dân mình có được nâng cao không. Mà tôi thấy hiệu quả đấy chứ. Điển hình là cái việc rửa tay đúng cách ấy, báo đài Tây chả khen mình ầm ầm đấy à.

Bà Hiên: - Ừ, mà chả biết bao giờ mới hết dịch ông nhỉ. Chứ cứ thế này mãi thì chết đói cả nút.

Ông Minh: - Sớm thôi bà, tôi tin những chỉ đạo, quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh này.

Bà Hiên: - Mà ông này, tôi có chuyện cần bàn với ông đây.

Ông Minh: - Chuyện gì, bà nói xem.

Bà Hiên: - Ngày 20 (âm lịch) tới là giỗ đầu mẹ đấy. Ông định tính sao?

Ông Minh: Ừ nhỉ, giỗ đầu mẹ lại đúng thời điểm dịch giã này. Thế ý bà thế nào? Đang "cách ly toàn xã hội" thế này, tôi là tôi xin kiếu để năm sau làm một thể đấy.

Bà Hiên: - Không được đâu! Đây là một trong hai giỗ thuộc kỳ tang, làng mình trước nay có phong tục đều làm cơm mời họ hàng, làng xóm. Nay mình không mời được nội ngoại xa gần, thì cũng phải có mâm cơm mời láng giềng thân thiết "tối lửa tắt đèn có nhau", các bác, các cô, chú chứ?

Ông Minh: - Bà định mời cả cô năm, chú út ngoài Hà Nội về ư? Tôi e là không được đâu?

Đắn đo một lúc, Bà Hiên nói: - Tôi tính thế này, chỗ cô năm, chú út thì ông gọi điện báo thôi không phải về. Nhưng các chị, chú ba, nhà ông L trưởng họ, nhà bác… thì mình vẫn mời bình thường. Tính cả con cháu nhà mình, chắc chỉ 30 người chứ mấy. Hơn nữa, đây là việc hiếu nghĩa nên làm, tôi nghĩ chắc không có vấn đề gì đâu ông.

Ông Minh: - Tôi vẫn thấy không ổn. Ngày nào báo đài cũng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cách ly toàn xã hội, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng…vậy mà bà lại định tụ tập đông người ăn uống. Thôi bà để lát tôi gọi hỏi ông Kiên trưởng thôn xem thế nào đã.

Nhấp ngụm trà nóng, Ông Minh đứng dậy ra hiên nhà vươn vai định làm mấy động tác cho giãn xương cốt trong những ngày ở nhà cách ly thì thấy ông Kiên đeo khẩu trang đi qua ngõ.

Ông Minh: - Ông Kiên đi đâu thế?

Ông Kiên: - Tôi định qua nhà bà Soi xem tình hình cháu Phi tự cách ly ở nhà như thế nào ông ạ.

Ông Minh: - May quá, tôi vừa định bụng bảo gọi điện gọi hỏi ông trưởng thôn cái này.

Ông Kiên: - Có việc gì vậy ông?

Ông Minh: - Hãy còn sớm, mời ông vào nhà uống chén trà nóng mới pha rồi tôi thưa chuyện luôn.

Vừa rót nước mời khách, Ông Minh vừa nói:

- Chả là 20 âm tới là ngày giỗ đầu của mẹ tôi. Vợ chồng tôi cũng đã bàn bạc, trao đổi định làm mâm cơm cúng bà, cũng trong phạm vi gia đình, làng xóm thân thiết, gần gũi thôi, già trẻ, gái trai ước khoảng 30 người. Không biết liệu có được không ạ?

Ông Kiên: - Trước tiên rất cám ơn ông bà đã tin tưởng. Như ông bà đã biết qua truyền thông, báo chí đưa tin: hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, ở Việt Nam ta, đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc. Đến ngày 20 ta, nghĩa là ngày 12/4 dương, thì thời hạn yêu cầu cách ly chưa hết, để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cho nỗ lực chống dịch của mọi người, theo tôi gia đình không nên tổ chức với quy mô như vậy.

Bà Hiên: - Phong tục làng này từ xưa đến nay đã vậy, không làm không được. Hàng xóm làng giềng lại xì xào, tiếng bấc tiếng chì các ông ạ.

Ông Kiên: - Tôi rất chia sẻ với tâm tư của ông bà. Song tôi thiết nghĩ, trong hoàn cảnh này, cụ bà nơi chín suối, rồi cả hàng xóm, láng giềng, anh em họ hàng sẽ ủng hộ, chia sẻ, không ai có lời trách cứ gì đâu ạ. Điều quan trọng là ở cái tâm nhớ đến ngày giỗ cha mẹ mà có nén nhang tỏ lòng thành kính, chứ "mâm cao cỗ đầy" các cụ cũng có ăn được đâu.

Bà Hiên: - Thì chúng tôi cũng biết vậy, nên đã gói gọn tối đa như vậy còn gì, mà tôi thấy cả làng, cả xã này đã có ai bị đâu.

Ông Kiên: - Vẫn không nên Bà Hiên ạ. Làng, xã ta chưa có người bị dịch bệnh nhưng cũng đã có cháu Phi nhà bà Soi phải cách ly tại nhà vì có liên quan đến bệnh viện Bạch Mai đó thôi. Xã mình, giờ chưa có nhưng vẫn có nguy cơ, vì vậy, chúng ta không được chủ quan. Đây là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Hơn nữa, để đảm bảo việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch Covid-19 nói riêng được diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả tốt, một trong các hành vi mà Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nghiêm cấm thực hiện là "Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.". Đây, nói có sách, mách có chứng, bà xem có đúng khoản 7 Điều 8 của Luật quy định như vậy không? (Vừa nói, ông Kiên vừa mở tờ gấp tuyên truyền phòng, chống dịch covid mới được phát cho bà Hiên xem).

Bà Hiên (vừa đọc vừa gật gù): - Pháp luật cấm thật ông ạ.

Ông Kiên: - Đây nữa này, người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Minh: - Đấy, tôi đã bảo rồi mà. Thế bà nó có định làm cỗ mời mọi người nữa không để tôi còn chuẩn bị tinh thần chịu phạt.

Bà Hiên: - Đấy là tại tôi chưa biết pháp luật cấm vậy, chứ giờ tôi biết rồi thì có cho tiền tôi cũng chả dám. May gặp được bác trưởng thôn hôm nay chứ không thì, không thì...

Ông Kiên: - Không có gì đâu, tuyên truyền giúp người dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của tôi. Vậy nhé, xin phép ông bà tôi còn phải sang nhà bà Soi nữa.

Tiễn ông Kiên ra ngõ, trong lòng vợ chồng ông Minh, bà Hiên tin rằng, qua các phương tiện truyền thông đại chúng và qua việc làm của những người Tuyên truyền viên pháp luật  như ông Kiên, chắc chắn bà con lối xóm sẽ hiểu và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh và có cách ứng xử "hợp tình, hợp lý" trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội vì dịch covid-19. Sẽ không có ai trách cứ gì ông bà vì không tổ chức giỗ mẹ như bình thường.

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề