HỎI ĐÁP LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2009/NĐ-CP NGÀY 10/6/2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Ngày 28/03/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Hỏi: Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới?

Trả lời: 

Theo điều 6 của Luật Bình đẳng giới có các nguyên tắc cơ bản sau:

1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.

3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

6. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

Hỏi: Tôi muốn biết các chính sách của Nhà nước về Bình đẳng giới?

Trả lời: Theo điều 7 của Luật Bình đẳng giới các chính sách của Nhà nước về Bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Hỏi: Trong Luật Bình đẳng giới có mấy hành vi bị nghiêm cấm? các hành vi bị nghiêm cấm đó là gì vậy ạ?

Trả lời: Theo điều 10 của Luật Bình đẳng giới có các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới.

2. Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

3. Bạo lực trên cơ sở giới.

4. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Luật bình đẳng giới quy định trong gia đình như thế nào?

Trả lời: Theo điều 18 của Luật Bình đẳng giới, trong gia đình Luật bình đẳng giới được quy định như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Hỏi: Trách nhiệm của gia đình được quy định trong Luật Bính đẳng giới như thế nào?

Trả lời: Theo điều 33 của Luật Bình đẳng giới, trách nhiệm của gia đình được quy định như sau:

1. Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.

2. Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.

3. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.

4. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

Hỏi: Trách nhiệm của công dân được Luật Bình đẳng giới quy định như thế nào?

Trả lời: Theo điều 34 của Luật Bình đẳng giới, trách nhiệm của công dân nam, nữ có trách nhiệm sau đây:

1. Học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới;

2. Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;

3. Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới;

4. Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.

Hỏi: Chị Nguyễn Thị Ngân tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện M, anh Trần Văn Ba cũng tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện M. Anh Ba luôn nói với chị Ngân rằng chị là nữ, không được tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, sẽ khó trúng cử. Chị Ngân không đồng ý với lời nói của anh, chị hiểu nam nữ bình đẳng. Chị Ngân muốn biết pháp luật quy định như thế nào về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị?

Trả lời:

Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, như sau:

1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.

2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động

Hỏi: Chị Lê Hồng Lan đang làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu HG. Chị luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, công ty không đề bạc bổ nhiệm làm Trưởng phòng với lý do chị là nữ, tuổi còn trẻ. Chị Lan muốn biết bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, như sau:

1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.

3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;

c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Như vậy, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được pháp luật quy định như trên, chị Lan nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

Hỏi: Chị Trần Thùy Phương đang làm việc tại Công ty Tư vấn đầu tư M, công ty đã vi phạm về bình đẳng giới đối với chị. Chị muốn biết mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là bao nhiêu? 

Trả lời:

Điều 5 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng, mức phạt tối đa là 40.000.000 đồng. Mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Chương II Nghị định này.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

b) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới gây ra;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần;

d) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới;

đ) Buộc tháo dỡ hoặc xóa sản phẩm quảng cáo có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới;

e) Yêu cầu tổ chức, cá nhân đã ban hành các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới sửa đổi, hủy bỏ các văn bản đó hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản đó.

4. Người có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

5. Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, mức phạt tiền vi phạm hành chính về bình đẳng giới tối thiểu là 200.000 đồng và mức phạt tối đa là 40.000.000 đồng.

 Xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

Hỏi: Anh Lê Thanh Long và chị Nguyễn Mộng Thảo đều tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Q. Vì lo sợ chị Thảo được tín nhiệm sẽ trúng cử, anh Long gặp mọi người đều xúi giục đừng bỏ phiếu cho chị Thảo mà bỏ phiếu cho anh. Chị Thảo muốn biết hành vi của anh Long có bị xử phạt vi phạm hành chính không, mức phạt như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho nam hoặc nữ khi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho nam hoặc nữ khi thực hiện các thủ tục lấy ý kiến về ứng cử viên để bổ nhiệm vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Long bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo

Hỏi: Chị Nguyễn Thị Hà làm việc tại Ủy ban nhân dân huyện B, chị luôn làm tốt công việc được giao và được lãnh đạo nhìn nhận, bổ nhiệm chị làm Trưởng phòng TP. Anh Dương Văn Hùng đang làm việc cùng chị, cho rằng chị là nữ không thể lên làm Trưởng phòng. Anh đã đe dọa sẽ thuê người đánh chị, uy hiếp chị phải từ chối việc đề bạt của lãnh đạo, chị rất sợ. Chị Hà muốn biết hành vi của anh Hùng có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúi giục người khác trì hoãn, không cung cấp hoặc trì hoãn, không cung cấp đầy đủ các thông tin, mẫu hồ sơ, tài liệu nhằm cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Xúi giục người khác trì hoãn hoặc trì hoãn thực hiện các thủ tục nhằm cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Hùng bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc anh xin lỗi chị Hà đối với hành vi của mình.

Xử phạt hành vi sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở nam hoặc nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Hỏi: Chị Trần Thị Bông được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố A, Anh Nguyễn Hữu Sung rất tức giận vì cho rằng chị Bông là nữ không làm được gì mà được giới thiệu ứng cử. Không bằng lòng với việc chị Bông là nữ mà hơn mình, anh Sung tìm cách để cản trở. Anh đã tự ý sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ của chị Bông. Hành vi của anh đã bị phát hiện, anh hỏi anh có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Dùng vũ lực cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ hoặc ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ hoặc ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

đ) Không cho nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

e) Không thực hiện việc bổ nhiệm nam hoặc nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Sung bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của chị Bông.

Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới

Hỏi: Chị Trương Mộng Hương lấy chồng vào lúc 22 tuổi, chồng chị luôn bắt chị ở nhà chăm con. Chị rất muốn được đi làm vì chị đã học trang điểm và chị trang điểm cô dâu rất đẹp. Chị muốn biết chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 7 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới như sau:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Như vậy, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới được pháp luật quy định như trên, chị Hương nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Xử phạt hành vi từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ

Hỏi: Chị Lê Thị Duyên đang làm hồ sơ để xin nhập học tại trường Cao đẳng du lịch M, Trường đã không nhận chị vào học vì lý do chị mới sinh con. Chị Duyên muốn biết việc từ chối cho chị nhập học của Trường Cao đẳng du lịch M có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Điều 9 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính;

b) Từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ;

b) Tổ chức giáo dục hướng nghiệp, biên soạn, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên;

b) Yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các quy định về tuổi đào tạo, tuyển sinh có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 nêu trên;

c) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Trường Cao đẳng du lịch M bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi do trường gây ra đối với chị Duyên.

Xử phạt hành vi từ chối tuyển dụng lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính

Hỏi: Công ty Cổ phần xây dựng MK tuyển nhân viên làm việc tại công ty. Chị Vương Thị Mai đến nộp hồ sơ xin vào làm, nhưng chị bị công ty từ chối vì chị là nữ, làm việc thời gian rồi sinh con, nuôi con nhỏ ảnh hưởng đến công việc. Chị Mai muốn biết hành vi của công ty bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời:

Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 1 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Công ty Cổ phần xây dựng MK sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi không cho nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới

Hỏi: Chị Hồ Thị Sen hiện đang nghiên cứu vấn đề về môi trường. Lê Văn Tường là lãnh đạo cơ quan chị đang công tác, anh Tường luôn nghĩ chị là phụ nữ không làm được gì, những nghiên cứu quan trọng chỉ dành cho nam. Vì vậy, anh không cho chị tham gia vào nghiên cứu những vấn đề quan trọng, chị Sen nhiều lần xin được tham gia nhưng anh Tường vẫn không đồng ý. Chị Sen muốn biết, hành vi của anh Tường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời:

Điều 10 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu nhằm cản trở nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới;

b) Không cho nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi từ chối việc tham gia của một giới trong các khóa đào tạo hoặc trong các hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 nêu trên;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 nêu trên;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Tường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi của anh Tường gây ra cho chị Sen.

Xử phạt hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học

Hỏi: Anh La Minh Quân và chị Trần Thanh Nhàn cùng là nhà văn. Chị Nhàn đang viết quyển sách về vấn đề đi phượt của giới trẻ, anh Quân cũng đang nghiên cứu về vấn đề này, anh Quân thấy chị Nhàn cũng viết cùng nội dung của mình anh nghĩ rằng chị là phụ nữ hiểu gì về vấn đề đi phượt mà viết, anh đâm ra hậm hực và tức giận. Anh đã đe dọa chị nếu vẫn còn tiếp tục viết anh sẽ không để yên và thuê người cho chị một bài học. Chị Nhàn rất sợ hãi, chị muốn biết hành vi của anh Quân sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Điều 11 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hóa khác, tham gia hoạt động thể dục, thể thao vì định kiến giới;

b) Tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hóa khác, tham gia hoạt động thể dục, thể thao vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hóa khác, tham gia hoạt động thể dục, thể thao vì định kiến giới;

b) Không cho nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hóa khác, tham gia hoạt động thể dục, thể thao vì định kiến giới.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào;

b) Truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức;

c) Thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép từ ba tháng đến sáu tháng đối với hành vi sáng tác, lưu hành, xuất bản các tác phẩm quy định tại điểm a khoản 4 nêu trên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 nêu trên;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của nam hoặc nữ đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 nêu trên;

c) Buộc sửa đổi, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các tác phẩm, vật phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới đối với hành vi quy định tại khoản 4 nêu trên;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Tường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu anh Quân gây thương tích cho chị Nhàn còn buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với chị.

Xử phạt hành vi xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi

Hỏi: Chị Nguyễn Thị Lành kết hôn với anh Lê Trung Kiên và có 3 người con gái. Chị đang sống với gia đình nhà chồng và Kiên là con trai một của gia đình nên phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường, hiện chị đang mang thai được 4 tháng, đi khám siêu âm bác sĩ nói là con gái. Mẹ chồng chị biết được nên xúi giục chị phải phá thai. Chị muốn biết hành vi của mẹ chồng chị sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

   Điều 12 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

b) Xúi giục người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

c) Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ngăn cản, không cho người khác tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

b) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở người khác tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

b) Xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 nêu trên;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 2 nêu trên;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của mẹ chồng chị Lành sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

 Xử phạt hành vi không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính

Hỏi: Chị Trần Thị Hồng kết hôn với anh Nguyễn Thế Nhật được hơn 20 năm và có 3 người con trai. Anh Nhật và chị Hồng có tài sản chung là diện tích đất 200m2, anh Nhật chỉ muốn để lại cho con trai đầu vì cho rằng con trai đầu phải ở với vợ chồng anh và lo hương khói. Chị Hồng không đồng ý, muốn chia cho cả 3 người con, vì con nào cũng là con của anh chị. Chồng chị không cho chị tham gia định đoạt tài sản và nói rằng việc này chỉ để mình anh được quyết chị là phụ nữ chỉ lo bếp núc. Chị Hồng muốn biết hành vi của chồng chị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình tham gia sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới;

c) Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cho thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

b) Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới;

c) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

d) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 nêu trên;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 nêu trên;

c) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 2, điểm b khoản 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Nhật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại của chị Hồng do hành vi của anh Nhật gây ra.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Hỏi: Chị Nguyễn Thị Ngân sinh ra trong gia đình có 4 người con, gồm 3 trai và 01 gái, chị là con gái duy nhất trong gia đình, nhưng bố chị Ngân hay nói rằng chị nghỉ học sớm còn các anh em trai sẽ đi học. Chị Ngân muốn biết, pháp luật quy định như thế nào về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo?

Trả lời:

 Điều 14 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như sau:

1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.

2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.

3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

 5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;

b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được pháp luật quy định như trên, chị Ngân tham khảo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Bình đẳng giới trong gia đình

Hỏi: Chị Trương Thị Dung và anh La Đình Hân kết hôn với nhau được 25 năm, anh Hân là một người chồng độc đoán và gia trưởng, nhiều lần không cho chị quyền được quyết định đối với tài sản chung của vợ chồng, anh luôn nghĩ rằng chị là phụ nữ không có quyền quyết định trong gia đình, anh là đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ quyết định mọi chuyện. Chị Dung muốn biết bình đẳng giới trong gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định bình đẳng giới trong gia đình, như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

 3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

 4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

 5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Như vậy, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được pháp luật quy định như trên, chị Dung tham khảo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

Hỏi: Anh Nguyễn Văn Phú và chị Lê Thị Sương kết hôn được hơn 10 năm và sinh được 2 con trai, 01 con gái. Thời gian này, anh chị buôn bán ế ẩm nên cuộc sống gia đình khó khăn, cũng vì cuộc sống khó khăn nên anh Phú ép buộc người con gái nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình, để hai anh em trai đi học, chị Sương không đồng ý vì mong muốn cho cả 3 người con đi học, anh Phú cho rằng con gái học nhiều làm gì đến tuổi lấy chồng là xong. Chị Sương muốn biết hành vi của anh Phú có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không?

Trả lời:

Điều 41 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, như sau:

1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.

5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.

Như vậy, hành vi của anh Phú đã vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, Vì vậy, chị Sương giải thích để anh Phú hiểu hành vi ép buộc con gái nghỉ học vì định kiến giới của anh là vi phạm pháp luật, để cùng nhau giải quyết vượt qua khó khăn.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong lĩnh vực bình đẳng giới

Hỏi: Anh Huỳnh Văn Bảo bị xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, do anh có hành vi ép buộc người con gái nghỉ học ở nhà để chuẩn bị lấy chồng. Anh Bảo muốn biết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, mức xử phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời:

Điều 16 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định số 55/2009/NĐ-CP;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được pháp luật quy định như trên và mức phạt tiền đến 30.000.000 đồng./.

 

 


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề