Hỏi - đáp về Luật Xây dựng

Ngày 16/06/2022
Cỡ chữ: A+ A A-

Câu 1. Bà A (ở tầng 2) tự ý cơi nới xây dựng thêm một căn phòng 12 m2 ngoài ban công khiến toàn bộ tường phía sau nhà ông X (ở tại căn hộ tầng 1) bị rạn nứt. Xin hỏi, việc cơi nới của bà A sẽ bị xử lý như thế nào?

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 thì  công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ.

          Điểm d khoản 3 Điều 118 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.

          Như vậy, việc bà A tự ý cơi nới căn hộ, xây thêm căn phòng tầng 2 là trái pháp luật. Bà A phải phá dỡ công trình cơi nới, nếu bà A không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế phá bỏ căn phòng trên. Các chi phí có liên quan đến việc phá dỡ công trình bà A phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

          Câu 2. Đề nghị cho biết, Luật Xây dựng quy định như thế nào về việc giám sát thi công xây dựng công trình?

        Điều 120 Luật Xây dựng năm 2014 quy định công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Nhà nước khuyến khích việc giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ.

          Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau:

          - Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;

          - Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng;

          - Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

          Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được lựa chọn phải có đề xuất về giải pháp giám sát và quy trình kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, biện pháp quản lý hồ sơ tài liệu trong quá trình giám sát và nội dung cần thiết khác.

        Câu 3: Công ty A - bên giao thầu đã ký hợp đồng xây dựng với công ty B - bên nhận thầu. Hiện nay công ty A đã bị phá sản. Hỏi, công ty B có quyền chấm dứt hợp đồng không?

        Theo quy định tại Khoản 3 Điều 145 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 8 Điều 41 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng thì bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:

- Bên giao thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên nhận thầu.

- Sau năm mươi sáu (56) ngày liên tục công việc bị dừng do lỗi của bên giao thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

 Như vậy, nếu công ty A đã bị phá sản, công ty B có quyền chấm dứt hợp đồng.

Câu 4. Đề nghị cho biết, quy định của pháp luật về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng?

Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014, nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm:

- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;

- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;

- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;

- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thoả thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 4 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng thì nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng phải phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

         - Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.

- Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

- Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

Câu 5. Đề nghị cho biết, hợp đồng xây dựng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?

Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014 quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng gồm:

- Các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

- Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật;

- Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng xây dựng có sự tham gia của bên nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.

Hợp đồng xây dựng phải được ký kết và thực hiện phù hợp với quy định của Luật xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

Câu 6. Đề nghị cho biết hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi nào?

Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 139 Luật Xây dựng năm 2014, theo đó, hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng

- Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng còn quy định hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định này;

- Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng

- Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định của Luật này.

- Hình thức hợp đồng bằng văn bản. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

        Câu 7.  Xin hỏi, trong trường hợp chất lượng công việc của Công ty X - bên nhận thầu không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng với công ty Y - bên giao thầu thì công ty X có phải bồi thường thiệt hại cho công ty Y không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật xây dựng năm 2014 thì bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau:

- Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

- Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

Như vậy, trong trường hợp trên công ty X phải bồi thường thiệt hại cho công ty Y.

Câu 8. Công ty N - bên giao thầu đã chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với công ty M - bên nhận thầu. Xin hỏi, công ty N có phải bồi thường thiệt hại cho công ty M không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 146 Luật xây dựng năm 2014 thì bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:

- Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

- Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

- Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

- Bên giao thầu chậm thanh toán theo thoả thuận trong hợp đồng.

Đồng thời khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng quy định trường hợp, bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Vì vậy, trong trường hợp này công ty N phải bồi thường cho công ty N, theo đó, công ty N phải bồi thường cho công ty N theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi công ty M mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán.

Câu 9. Đề nghị cho biết, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì và điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng?

Theo quy định tại Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014 thì chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân (Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng). Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II, hạng III) có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề.

Điều 45 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

+ Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 (bảy) năm trở lên;

+ Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 05 (năm) năm trở lên;

+ Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 03 (ba) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 05 (năm) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

- Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề