Để triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm, sự phối kết hợp của các đơn vị có liên quan và nâng cao ý thức của người dân, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm sử dụng một lần, khó phân hủy thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. Ngày 20/05/2022, UBND thành phố Thủ Dầu Một ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, UBND thành phố đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2022 – 2026 như sau: phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các sự kiện, cuộc họp.
Phấn đấu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các sự kiện, cuộc họp.
(Nguồn: phòng Tài nguyên và Môi trường tp.TDM)
Để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra, UBND thành phố đã đưa ra các nội dung lớn cần thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa cụ thể như sau:
1. Tổ chức thực hiện và xây dựng các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.
2. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng.
3. Kiểm soát, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ trong cộng đồng.
4. Đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Hình ảnh phát túi vải thân thiện môi trường cho người dân tại chợ Thủ Dầu Một
(Nguồn: phòng Tài nguyên và Môi trường tp.TDM)
Đồng thời, UBND thành phố Thủ Dầu Một đã liệt kê danh mục các nhiệm vụ và dự án ưu tiên trong giai đoạn triển khai thực hiện của Kế hoạch bao gồm:
- Xây dựng và hỗ trợ hoạt động các mô hình hạn chế sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân huỷ; tiết giảm, tái chế và tái sử dụng chất thải sinh hoạt.
- Thiết lập các điểm thu gom sản phẩm nhựa đã qua sử dụng trong cộng đồng dân cư hoặc kết nối với các tổ chức triển khai mô hình đổi chất thải, chất thải nhựa lấy quà tặng, sản phẩm tiêu dùng.
Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng” được tổ chức tại phường Chánh Nghĩa (Nguồn: UBND phường Chánh Nghĩa)
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới 100% túi ni lông, bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại của túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục về quản lý chất thải nhựa, tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần để đưa vào chương trình học cho học sinh.
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc sử dụng và thải bỏ sản phẩm nhựa; phân loại rác tại nguồn.
UBND thành phố giao các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức có liên quan, UBND các phường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.