THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG COVID-19

Ngày 19/09/2021
Cỡ chữ: A+ A A-

Sau những thành công ở những giai đoạn đầu, trong những ngày vừa qua, chúng ta ghi nhận hàng trăm rồi đến hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này rất nguy hiểm do chủng virus mới đang lây lan rất nhanh...Nhưng chính trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Như bao cuộc chiến trong lịch sử đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, toàn dân cùng một ý chí, đoàn kết một lòng coi “Chống dịch như chống giặc”. Ngành Y với đội ngũ các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đang giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ tính mạng cho đồng bào. Những chiến sỹ áo trắng đã phải thực hiện cùng một lúc đồng bộ nhiều nhiệm vụ, nhiều giải pháp, là nòng cốt tham mưu cho Đảng, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước trước dịch bệnh.

Các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải tạm rời xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu với đại dịch, nhiều y bác sĩ không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già đang trọng bệnh. Tất cả vì cuộc chiến với đại dịch vì sự an toàn tính mạng cho hơn 90 triệu người dân. Nhiều bài thơ, ca khúc, bức thư,… đã viết lên những hoàn cảnh đầy cảm xúc đó, khiến bao người rơi lệ,... Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những “chiến sĩ mặc áo trắng” của dân tộc Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào cả nước, có cả những người mang quốc tịch nước ngoài… Với tinh thần trách nhiệm cao cả, các bác sỹ đều hết lòng chăm sóc, phục vụ, chữa trị, đặt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người lên trên hết.

Những ngày này, trên các thông tin đại mỗi chúng ta dễ dàng bắt gặp những tin tức về việc phòng chống dịch Cocid-19. Đó là việc thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Trong sự căng thẳng, khó khăn và nguy hiểm từ dịch bệnh, chúng ta lại thấy được tình nghĩa người Việt lan tỏa trong cộng đồng “dịch bệnh khiến con người phải xa cách nhưng tình nghĩa lại đem con người đến gần nhau”. Mỗi ngày, nhìn thấy nhiều câu chuyện cảm động trong mùa dịch, tôi không cầm được nước mắt: Hình ảnh các y, bác sĩ chia tay người thân để đến tuyến đầu chống dịch, họ căng người làm việc ngày đêm, mệt mỏi, gục ngã trong bộ đồ bảo hộ nóng bức… Hình ảnh đứa trẻ thơ đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ là một bác sĩ đang phát biểu trên tivi khi đang đi làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam… Hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân ngày đêm túc trực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh bảo vệ sự bình yên cho người dân, có người đã phải nuốt nước mắt bái vọng cha, mẹ qua đời mà không thể về quê chịu tang, hình ảnh người chiến sỹ quân y, công an... xông pha truy vết dịch bệnh và đã nhiễm vi rút, đã mãi mãi ra đi trước sự thương tiếc của đồng đội, người thân – các anh đã hoàn thành sứ mệnh của tuổi trẻ thời nay.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.

Tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19 ngày 27/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, kiều bào, nhân dân không được lơ là, chủ quan; nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Mỗi người luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; không được chủ quan và quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc để sớm dập dịch; chưa bao giờ từ tinh thần “đoàn kết” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch, đã không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Có thể thấy rằng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết và những phẩm chất ấy sẽ càng củng cố quyết tâm của chúng ta chiến đấu chiến thắng đại dịch.

Trong công cuộc chống dịch Covid-19 của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, xuất hiện nhiều tấm gương, nhiều câu chuyện đầy cảm xúc về những con người ở tuyến đầu phòng và chống dịch, cũng như bao nghĩa cử cao đẹp, sẻ chia của người dân Bình Dương. Thời gian ngày qua, cả nước mong mỏi trông chờ từng tin bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui của người dân cả nước lại vỡ òa. Đó là những món quà tinh thần vô giá mà ngành y tế, các y bác sĩ dành cho Tổ quốc và nhân dân mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn dân đã chấp hành, ủng hộ công tác phòng chống dịch, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.

Có được kết quả như vậy, phải kể đến sự nỗ lực của ngành y, tinh thần quyết chiến quyết thắng của đội ngũ y bác sĩ những “Chiến sĩ áo trắng”. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy. Lịch sử sẽ ghi nhận tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vô cùng gian khó và hiểm nguy này. Họ hi sinh quyền lợi của mình trong mùa dịch, cả ngày mặc đồ bảo hộ chăm sóc bệnh nhân trong khu vực cách ly. Thậm chí có những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch còn chẳng có đủ thời gian ăn uống và nghỉ ngơi, đầu tóc rối bù, mặt in hằn vết khẩu trang...Nhưng họ vẫn không quản vất vả, nguy hiểm họ dùng tất cả thời gian sức khoẻ và tâm huyết của mình để cứu giúp bệnh nhân. Mọi người dân cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh covid - 19 bằng những hành động thiết thực và cụ thể nhất, trước hết là tự nguyện, tự giác tuân thủ đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là việc khai báo y tế và cách ly khi cần thiết.

Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân. Mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh, giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh, khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch. Đồng hành cùng Chính phủ chống “giặc dịch” cũng có thể bằng cách hết sức đơn giản – không đưa lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng, kiên quyết từ chối bấm nút “thích” hay chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận. Đồng thời, bản thân mỗi người cần nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không mất bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp từ phía chính quyền.

Cùng với tiến trình lịch sử, từ một danh xưng, “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một biểu tượng nhân cách tiêu biểu, độc đáo ở Việt Nam. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng được phát huy, tỏa sáng, chiếm trọn tình cảm của nhân dân cả nước. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng như dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong thời bình, hình ảnh những người lính không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, dũng cảm hy sinh quên mình vì nhiệm vụ càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.

Trong gian khó ngặt nghèo mới thấm thía tình quân - dân “cá - nước”, qua thử thách chông gai mới hiểu được bộ đội ta chính là những chiến sĩ “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nhân dân hy sinh”. Không chỉ hy sinh trong chiến tranh, trong bom đạn để giành lại cuộc sống độc lập, tự do cho nhân dân, không chỉ hy sinh trong mưa lũ thiên tai, địch họa, để nhân dân được bình an yên ổn, mà ngay trong những ngày tưởng như yên bình nhất, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành ở trong nước, những cán bộ, chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ” lại chủ động ra quân, trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, ngày đêm chăm sóc, hỗ trợ hàng vạn người cách ly tập trung, dù đêm hay ngày, dù trời nắng hay trời mưa, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và cả khả năng lây nhiễm cao của bệnh dịch.

Với tinh thần, “nhường cơm, xẻ áo”, nhiều đơn vị quân đội đã nhường chỗ ở cho người dân, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất để nhân dân yên tâm cách ly. Những bức tâm thư, những dòng lưu bút, nhật ký, những câu chuyện được viết bằng thơ, bằng hình ảnh và những dòng cảm xúc tốt đẹp của người dân đang trong khu cách ly hoặc sau khi hết thời gian cách ly y tế chính là sự ghi nhận chân thực và sinh động nhất về những đóng góp của các chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trên khắp các ngả đường, tuyến phố, ngõ hẻm, khu dân cư thuộc tỉnh Bình Dương, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ mang quân phục màu xanh đã trở nên thân quen với người dân. Thoăn thoắt đôi tay, cùng nhịp chân nhanh nhẹn, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đưa gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương... cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đến từng gia đình ở các “vùng đỏ”... Dù mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng ánh mắt các chiến sĩ đều ánh lên niềm vui khi được hỗ trợ người dân với phần việc ý nghĩa. Sự có mặt kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã tiếp thêm cho nhân dân niềm tin, nghị lực, quyết tâm để vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy rõ những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không nề hà bất cứ công việc gì dù khó khăn, gian khổ đến đâu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y thức trắng đêm, không kịp ăn, đói lả vì yêu cầu nhiệm vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân quá gấp gáp. Nhiều người cha, người mẹ là quân nhân suốt mấy tháng trời chỉ nghe tiếng, nhìn thấy mặt con qua điện thoại. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới con; không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con… để hoàn thành trọng trách mà đất nước đã tin tưởng giao phó. Thành quả lớn nhất của Quân đội là làm cho dân tin, dân yêu, dân kính trọng và tự nguyện giúp đỡ Quân đội, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đắp bồi thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Có thể khẳng định, khi Tổ quốc và Nhân dân cần, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sẵn sàng lên đường, chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy ở phía trước, dù phải hy sinh tính mạng cũng không chùn bước. Cứu giúp nhân dân đã trở thành một trong những nhiệm vụ chiến đấu hàng đầu giữa thời bình của “Bộ đội Cụ Hồ”, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim.

Khi tôi viết những dòng này, dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành ở Việt Nam nói chung và ở Bình Dương nói riêng; trong cuộc chiến chống dịch bệnh đang tiếp diễn phía trước tôi tin chắc rằng cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, cả nước đồng sức, đồng lòng, đồng tâm chung tay đẩy lùi dịch giặc bệnh Covi-19 đem lại sự sống bình yên cho quê hương đất nước./.

 

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuấn

Đơn vị: Trạm trưởng, trạm Bảo Dưỡng – Sữa chữa, Phân kho K840A, Kho K840


Chia sẻ

Tin cùng chủ đề